Dự báo xuất khẩu nông sản năm 2014 tăng mạnh
Năm 2013 vừa qua, tuy được dự báo là một năm khó khăn nhưng nhiều mặt hàng nông sản như rau củ quả, hạt điều... vẫn xuất khẩu mạnh. Bước qua năm 2014, nhiều mặt hàng nông sản vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Xuất khẩu gạo được VFA dự báo trong năm 2014 sẽ là một năm khó khăn. Trong ảnh là người dân ở Đồng Tháp đang phơi lúa. Ảnh: Ngọc Hùng
|
Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) dự báo năm 2014 ngành điều vẫn giữ được mức tăng ít nhất bằng năm ngoái dựa trên những kết quả đạt được trong năm qua.
Dù chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2013 nhưng kết quả cuối cùng cho thấy mặt hàng điều đã đạt 1,66 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 19% về lượng và gần 13% về giá trị. Con số 1,66 tỉ đô la Mỹ chỉ là mới thống kê về lượng điều nhân xuất khẩu còn nếu tính cả mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm hạt điều chế biến sâu thì cả năm 2013 kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 1,8-1,9 tỉ đô la Mỹ.
Một mặt hàng khác có mức tăng trưởng nhanh trong năm 2013 và gia nhập vào nhóm những mặt hàng đạt 1 tỉ đô la Mỹ là rau, củ, quả khi mang về hơn 1,037 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 25% so với năm 2012. Những nông sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là thanh long, bưởi da xanh, rau của quả tươi, đóng hộp và đông lạnh.
Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2014 là một năm có nhiều triển vọng. Mặt hàng rau củ quả xuất khẩu có mức tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm trong những năm qua và Vinafruit kỳ vọng giữ được mức tăng trưởng này.
Dù đã có những thuận lợi trong xuất khẩu, giá bán trong năm luôn ổn định ở mức trên dưới 120.000 đồng/kg nhưng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra dự báo thận trọng là năm 2014 sẽ xuất khẩu khoảng 125.000 - 130.000 tấn hồ tiêu, thu về khoảng 900 triệu đô la Mỹ, tương đương năm 2013. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy vào thời điểm đầu năm, VPA luôn đưa ra dự báo thấp nhưng cuối năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nộng sản này đều tăng hơn năm trước đó.
Tình hình sản xuất lúa gạo năm 2014, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) sẽ không thay đổi đáng kể so với năm 2013. Song, đầu ra của lúa gạo sẽ khó khăn hơn do phải cạnh tranh với áp lực hạ giá bán của Thái Lan và các nguồn cung cấp chính ở châu Á.
Áp lực cạnh tranh với Thái Lan chủ yếu diễn ra ở hai sản phẩm là gạo thơm và gạo trắng, Chính phủ nước này đang tăng cường hạ giá bán để xả hàng tồn kho. Giá gạo của Thái Lan, theo VFA, sẽ định hình giá gạo ở các nguồn cung cấp khác và làm suy yếu thị trường. Tình hình thiên tai ở Ấn Độ cũng được cho là sẽ tác động đến xuất khẩu gạo của nước này trong năm tới. Đây vẫn là nguồn cung cấp gạo hàng đầu của thế giới và tiếp tục là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong năm tới.
Đối với thị trường tiêu thụ trong năm 2014, theo VFA, tại khu vực Đông Nam Á, mặc dù nhu cầu tiêu thụ sút giảm nhưng Việt Nam vẫn có khả năng giành được các hợp đồng cấp chính phủ khi các nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hai năm qua, được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu trong năm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn được khuyến cáo xem lại các rủi ro thương mại đối với thị trường này.
VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2014 sẽ dao động ở mức 6,5-7 triệu tấn, không thay đổi đáng kể so với dự báo hồi đầu năm 2013. Đây chỉ là con số cho xuất khẩu chính ngạch, còn xuất khẩu tiểu ngạch thường không được gộp trong dự báo này.
Thái Hằng - Ngọc Hùng
Thời báo kinh tế sài gòn
|