Thứ Hai, 30/12/2013 11:00

Mía đường Việt Nam sẽ chuyển mình, đón đầu sóng cổ phiếu?

Hiểu được vấn đề trọng tâm của ngành mía đường là việc tăng chữ đường, giảm giá thành sản phẩm, nhiều công ty trong ngành đã xây dựng và triển khai những giải pháp, kỳ vọng đến năm 2015 chữ đường sẽ tương đồng với các nước trong khu vực.

Hãy thôi tranh cãi!

Vụ đường 2012/13 đã khép lại với lượng đường tồn kho cuối vụ là gần 400 ngàn tấn, cao hơn vụ trước 150 ngàn tấn. Giá bán đường thời điểm cuối năm 2013 đã giảm từ 1,000-2,000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.

Dự kiến sản lượng sản xuất trong vụ 2013/14 này tiếp tục thặng dư với sản lượng tối đa khoảng 1.7 triệu tấn trong khi tiêu thụ chỉ trong khoảng 1.4 -1.5 triệu tấn chưa kể nạn đường lậu vẫn đang tiếp tục hoành hành.

Đây là câu chuyện không mới và được nhắc đến khá nhiều. Và hơn bao giờ hết, việc giảm giá thành để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và nâng cao chất lượng mía đường đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Gần đây, xung quanh cuộc chiến của Hiệp hội Mía đường, vấn đề cốt lõi cũng chính là giải pháp giảm giá thành, tối ưu hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh chứ không thể trong chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Đặc trưng của ngành này là chi phí mía chiếm đến 85-90%, cao hơn khoảng 20% -30% so với các nước khác, nên việc giảm chi phí mía nhưng đi đôi với việc đảm bảo bài toán thu nhập cho người dân là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện khi cánh cửa hội nhập vào nền kinh tế chung của khu vực (AFTA) đang cận kề. Do vậy, thay vì tranh cãi về việc bảo hộ hay không bảo hộ ngành mía đường trong nước, các doanh nghiệp nên tìm cho mình giải pháp để có thể cạnh tranh và tăng hiệu quả hoạt động.

Giải bài toán chi phí và giá thành

GS.Võ Tòng Xuân cho biết, trước mắt trong ngắn hạn, ngành mía đường cần xây dựng chuỗi thu hoạch, vận chuyển nhanh nhất từ ruộng đến nhà máy cùng với việc loại bỏ tạp chất, thu hoạch đúng thời điểm mía chín… để có thể tối đa hóa lượng đường trong sản xuất.

Về dài hạn, Giáo sư Xuân cũng cho biết thêm, Việt Nam đã tiến hành thành lập trung tâm nghiên cứu, lai tạo, phân lập giống mía với mục đích nâng cao chất lượng mía trồng bằng với các nước trong khu vực. Điển hình là Thái Lan đã đạt năng suất 7 tấn đường/hecta. Song song là việc đầu tư phòng nuôi cấy mô nhằm loại bỏ sâu bệnh, cung cấp giống mía sạch cho nông dân. Theo lộ trình hướng đến năm 2015 sẽ cung cấp 100% giống mía sạch cho nông dân.

Vào đầu năm 2013, CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) đã công bố góp vốn thành lập CTCP Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC) nhằm cung ứng giống mía cho nông dân. Đây là một hướng đi quan trọng do nếu có giống mía tốt, có tiềm năng và chất lượng cao thì sẽ nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu. Nếu người nông dân tự mua giống trôi nổi trên thị trường, chất lượng giống sẽ không được đảm bảo, có khả năng bị lẫn tạp, mầm mống sâu bệnh, sức sống kém...

Ngoài giống, GS.Võ Tòng Xuân chia sẻ công tác chăm sóc cần được các doanh nghiệp chú trọng đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng bón phân phù hợp sao cho tỷ lệ tiêu thụ phân thấp mà vẫn cho chữ đường cao. Việc bón phân hóa học quá nhiều, có thể làm giảm chỉ số chữ đường CCS, giảm độ tinh khiết của nước mía. Đồng thời khuyến khích đầu tư hệ thống tưới nước, chống chết mía thông qua việc xây dựng hữu hiệu hệ thống tưới phun giúp năng suất tăng khoảng 30% - 60% so với hiện nay, từ 60 tấn mía/hecta lên 80-100 tấn mía/hecta, nhờ đó thu nhập người nông dân sẽ tăng dù giá mía và giá thành sản xuất của các doanh nghiệp giảm đi đáng kể. Công việc canh thời gian cho cây mía sinh trưởng vào giai đoạn sinh trưởng và tích đường đúng giai đoạn tích đường cũng đóng vai trò quan trọng bên cạnh việc tối ưu hóa các khâu chăm sóc mía như giảm chi phí diệt cỏ bằng cách phủ lá mía.

Những tín hiệu tích cực mùa vụ 2013-2014 từ khu vực Đông Nam Bộ

Theo ông Nguyễn Văn Lộc – PCT.HĐQT CTCP Đường Biên Hòa cho biết hiện chữ đường của ngành mía đường Việt Nam bình quân ở mức 9.3 CCS, tương đương với năm trước. Trong khi đó, đối với vùng mía đường Đông Nam Bộ, chữ đường đã tăng đáng kể từ 8.5 CCS vụ 2012 - 2013 lên 9.5 CCS tại thời điểm đầu vụ 2013 – 2014, tương ứng tăng khoảng 12% và so với cùng kì vụ trước tăng khoảng 25% chỉ nhờ vào những cải tiến trong công tác thu hoạch. Với các giải pháp đang thực hiện, ông Lộc nhận định chữ đường tại khu vực Đông Nam Bộ vụ 2013 - 2014 sẽ tăng 10% so với các vụ trước là nằm trong tầm tay. Mặc dù còn thấp so với Thái Lan với chữ đường 11 nhưng đây cũng là mục tiêu phấn đấu của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đến năm 2015.

Tỷ lệ chữ đường năm 2012-2013

Việc tăng chữ đường không chỉ giúp tăng sản lượng và năng suất đường mà còn hỗ trợ cho người dân trồng mía vì giá thu mua phụ thuộc vào tỷ lệ chữ đường của cây mía. Theo quy định của các nhà máy đường, chữ đường là căn cứ để nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá cao hay thấp, trong đó chữ đường càng cao thì mía nguyên liệu càng có giá và ngược lại. Giá mua mía vụ 2013 – 2014 giảm khoảng 5% -10% giúp giá thành sản xuất các doanh nghiệp có thể giảm khoảng 8% -10% so với vụ trước nhưng thu nhập của người nông dân vẫn không giảm và có thể tăng nhờ vào chữ đường gia tăng từ giải pháp thu hoạch.

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp mía đường vẫn đang tích cực thực thi các giải pháp tăng năng suất, tăng tỷ lệ chữ đường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm giúp mở ra tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của ngành mía đường với mục tiêu theo kịp các nước trong khu vực đến năm 2015.

Hiện trên sàn chứng khoán có khá nhiều cổ phiếu ngành mía đường. Trong khi hàng loạt công ty đã nhiều lần trì hoãn thanh toán cổ tức thì phải ghi nhận điểm sáng của ngành này khi nhiều công ty mía đường vẫn đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định và tương đối cao trong năm 2013, khi duy trì tỷ lệ từ 13-20%, tương ứng mức cổ tức trên thị giá khoảng 10% - 15% - gấp khoảng từ 1.5 đến 3 lần so với lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay. Một số cổ phiếu mía đường có tỷ lệ trả cổ tức cao trong năm 2013 phải kể đến Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS – SBT), CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS), CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS), CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS), CTCP Mía Đường - Nhiệt Điện Gia Lai (HOSE: SEC)…

Đối với SBT, doanh nghiệp mía đường có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, qua nhận định của một số công ty chứng khoán, lợi nhuận trước thuế của công ty có thể đạt trên 220 tỷ đồng trong năm 2013, tuy thấp hơn so với kế hoạch đặt ra nhưng khả năng EPS vẫn đạt khoảng 1,300 – 1,600 đồng/cp, tương ứng với mức P/E khoảng 7.5 lần - 9 lần – đây là mức khá hấp dẫn so với thị trường hiện nay.

Minh Hằng

công lý

Các tin tức khác

>   Một năm FDI: Từ “nghi án” chuyển giá đến hiện tượng Samsung (30/12/2013)

>   Vinashin lại ra biển lớn từ... “Sông Cấm” (30/12/2013)

>   Vượt qua rào cản phi thuế quan (30/12/2013)

>   Tái cơ cấu DNNN không đủ điểu kiện cổ phần hóa (30/12/2013)

>   CNTT sẽ đạt hơn 13 tỉ USD trong năm 2014 (30/12/2013)

>   Sản xuất có dấu hiệu phục hồi (29/12/2013)

>   Tân Cảng Sài Gòn trúng thầu khai thác cảng Cái Mép (29/12/2013)

>   VNPT đã đổi vận nhờ “lãi thêm” 4.000 tỉ đồng? (29/12/2013)

>   Điện lực, viễn thông “lãi khủng”: Điểm sáng đáng ngại (29/12/2013)

>   Vừa chuẩn bị hàng Tết vừa lo tồn kho (29/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật