Bánh kẹo ngoại nhập giảm mạnh
Giá trị các loại bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc nhập khẩu qua đường chính thức trong năm 2013 đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng các mặt hàng này theo đó cũng giảm theo.
Số liệu thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 12-2013, giá trị hàng nhập khẩu là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt hơn 33,9 triệu đô la Mỹ, tăng 28,6% so với tháng 11 trước đó. Điều này cũng khá dễ hiểu khi các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường nhập khẩu hàng về bán trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán.
Tuy nhiên, nếu tính chung 12 tháng, tổng giá trị hàng bánh kẹo, sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu lại giảm gần 22% so với năm 2012 (đạt hơn 242 triệu đô la Mỹ).
Số liệu của Tổng cục Hải quan chỉ công bố về giá trị hàng nhập, không có số lượng. Thực tế này có thể xảy ra hai trường hợp. Một là khối lượng nhập khẩu giảm, tỷ lệ thuận với mức độ giảm của trị giá hàng hóa. Hai là khối lượng nhập khẩu vẫn vậy nhưng do giá đầu vào giảm nên giá trị hàng hóa giảm.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, một đơn vị thực hiện nhập khẩu bánh kẹo trực tiếp cho biết, trường hợp giá nhập khẩu giảm là hoàn toàn không xảy ra.
Theo bà Hoa, giá hàng nhập khẩu trong suốt năm qua không giảm, thậm chí một số sản phẩm còn tăng. “Nếu hàng nhập trả tiền bằng đô la Mỹ thì giá tăng nhẹ, còn nếu từ Nhật Bản, trả bằng đồng yên thì giá giảm”, bà Hoa nói.
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc Truyền thông, Công ty cổ phần Bibica thì chia sẻ, riêng phần nguyên liệu như các loại bột, bơ, sữa… để sản xuất bánh kẹo trong suốt năm qua không giảm, trừ mặt hàng đường. Giá bánh nhập khẩu chính ngạch tăng khoảng 10% so với giá năm ngoái.
Theo bà Thảo, việc giảm sút của hàng nhập khẩu là có cơ sở, thể hiện ở những gì diễn ra trên thị trường mùa tết năm nay. Đến thời điểm này, tổng sản lượng hàng xuất ra cho mùa tết của Bibica đã vượt 5% so với kế hoạch (dự kiến tung 1.250 tấn bánh kẹo, socola các loại). Trong đó, hai dòng sản phẩm là bánh Goody đã tăng 250% và Happy con ngựa loại hộp thiếc 700g tăng 50% so với mùa tết năm ngoái. Điều đó cho thấy sự đón nhận của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà Thảo cho biết, điều đó không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng tăng mua sắm mà nguyên nhân nằm ở việc họ thay đổi cơ cấu sản phẩm, chuyển từ mua hàng ngoại nhập sang hàng sản xuất trong nước.
“Các điểm bán của chúng tôi cho biết, lượng tiêu thụ của khách hàng năm nay không tăng, thậm chí giảm so với năm ngoái. Nhưng cơ cấu sản phẩm trong các giỏ hàng của người tiêu dùng lại thay đổi. Họ chọn bánh sản xuất trong nước có chất lượng, mẫu mã tương đương bánh ngoại nhập nhưng giá rẻ hơn từ 10-20%”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, các điểm bán còn phản hồi, riêng các sản phẩm bánh kẹo “xá” không bao bì nhãn mác thường được nhập khẩu bằng con đường không chính thức trong mùa tết năm nay đã sụt giảm mạnh. Tiểu thương, người kinh doanh không dám lấy hàng về bán vì người tiêu dùng lẻ không mua sau khi báo chí đưa tin về nguy cơ độc hại.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Ứng Thị Liên, chủ sạp kinh doanh các loại bánh kẹo, mứt… tại chợ Bình Tây (TPHCM) cũng xác nhận, không chỉ sạp của bà mà hàng loạt bạn hàng khác ở chợ này đều lấy hàng do các công ty hoặc cơ sở lớn về bán. Nếu có hàng nhập khẩu thì cũng phải đầy đủ chứng từ, giấy chứng nhận, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Minh Tâm
tbktsg
|