Đầu tư từ Trung Quốc: Con dao hai lưỡi
Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu mua lại các dự án bất động sản từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Năm nay, chúng tôi nhận thấy tiềm năng khá lớn từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, nhưng tâm điểm của mọi chú ý vẫn sẽ tập trung vào các nhà đầu tư Trung Quốc”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, cho biết.
Thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài cũng cho thấy một cú “đại nhảy vọt” của dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 đạt mức hơn 2,3 tỉ USD so với 345 triệu USD của năm 2012. Trong đó, 2 lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là bất động sản và dệt may.
FDI Trung Quốc tăng
Một quỹ đầu tư của Hồng Kông là EXS Capital đã quyết định rót 37 triệu USD vào Sơn Kim Land. Cái bắt tay này đã giúp Sơn Kim Land tiếp tục triển khai được 5 dự án căn hộ và trung tâm thương mại tại những vị trí đắt địa ở quận 1, quận 2 (TP.HCM) và Phan Thiết.
Ngoài bất động sản, lĩnh vực dệt may cũng thu hút khá mạnh vốn đầu tư của Trung Quốc. Các doanh nhân nước này đang muốn đón đầu cơ hội lớn từ việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam được dự báo có thể được hoàn tất trong năm nay.
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của Tập đoàn dệt Texhong Textile đã tăng 445% trong 12 tháng qua nhờ đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam. Sự kiện này đã góp phần nâng giá trị tài sản ròng của nhà đồng sáng lập kiêm cổ đông lớn nhất của Công ty là ông Hong Tianzhu lên mức 1 tỉ USD.
Thời gian qua, các công ty dệt ở Trung Quốc, nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do chính sách mua bông giá cao của Chính phủ nước này nhằm giúp nông dân trồng bông không bị thua lỗ. Chính sách này đã khiến giá bông ở Trung Quốc cao hơn giá bông ở Việt Nam khoảng 75%.
“Texhong đã đi rất sớm trong việc mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Công ty đã tận dụng được chênh lệch giá bông, bằng cách mua bông ở Việt Nam và bán sản phẩm ở Trung Quốc”, Dennis Lam, chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán DBS Vickers Hồng Kông, nhận xét.
Giữa năm ngoái, nhà máy sản xuất sợi giai đoạn 1 của Công ty Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong Textile đã được khởi công tại Quảng Ninh với vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên con số 4.
Nhưng thành công nhờ giá bông của ông chủ Texhong Textile chỉ là một sự khởi đầu may mắn. Đích nhắm cuối cùng của việc đầu tư thêm nhà máy ở Việt Nam chính là TPP. “Hàng dệt may Việt Nam hiện đã được hưởng thuế suất 0% khi vào Trung Quốc. Nếu được miễn thuế khi xuất sang Mỹ, kế hoạch mở rộng công suất của chúng tôi hiện nay vẫn là chưa đủ”, ông Tianzhu nói.
Gần đây, Tập đoàn Crystal (Hồng Kông) cũng cho biết sẽ đầu tư khoảng 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng hơn 70 ha đất tại Khu Công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương.
“Ba năm trước, nhận xét chung của các doanh nhân Trung Quốc là việc đầu tư vào Việt Nam là “thừa”. Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua, tôi đã nhận liên tiếp nhiều cuộc gọi và viếng thăm của doanh nhân Trung Quốc. Họ bắt đầu quan tâm đến việc thiết lập nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP”, Tiến sĩ Alan Phan, người có nhiều kinh nghiệm về thị trường Trung Quốc, cho biết.
Hệ lụy không ít
Tất nhiên, mọi sự việc đều có 2 mặt và việc gia tăng vốn đầu tư từ Trung Quốc thời gian qua cũng có những hệ lụy đi kèm.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho rằng về lâu dài, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp bất lợi và rủi ro về gia công và mua bán trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành dệt may của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cụ thể, khi hợp tác với doanh nghiệp gia công Việt Nam, các công ty Trung Quốc thường sẵn sàng hy sinh lợi nhuận tiền công để cạnh tranh, thu hút lao động của doanh nghiệp Việt và chỉ tìm cách thu lợi nhuận trong phần sản xuất nguyên phụ liệu. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước có khả năng thua trắng.
Đối với doanh nghiệp mua nguyên liệu bán thành phẩm, chắc chắn là các doanh nghiệp Trung Quốc luôn mua được nguyên liệu giá rẻ hơn nhờ mối quan hệ đã có trước khi đầu tư sang Việt Nam. Kế đến, trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt phải trả tiền nguyên liệu trước hoặc ngay khi nhận hàng, doanh nghiệp Trung Quốc có thể được đối tác cho trả chậm. Như vậy, chi phí của họ sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của ông Kiệt, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu ở nước nào thì trước mắt cũng sẽ giải quyết được vấn đề nguyên liệu cho doanh nghiệp nước đó. Nhưng về lâu dài, sự phụ thuộc này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước mãi luẩn quẩn kiếp làm gia công cho các công ty Trung Quốc. Nếu các nhà máy này bị đóng cửa, doanh nghiệp trong nước sẽ bị mất nguồn cung cấp nguyên liệu.
Thời gian qua, cùng với việc tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, nhiều công ty Trung Quốc còn tiến vào thị trường trong nước thông qua con đường đấu thầu các dự án điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất nhờ bỏ thầu giá rẻ theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp máy móc và xây dựng). Sau khi thắng thầu, họ thường mang vào Việt Nam khá nhiều trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu dẫn đến tình trạng nhập siêu gia tăng.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (VITIC), 9 tháng đầu năm 2013 có tới 43 nhóm hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 26,7 tỉ USD. Trong đó, các nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên là máy móc, dụng cụ và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải, sắt thép. Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 11,5 tỉ USD thì 9 tháng đầu năm 2013, con số này đã lên tới 17,2 tỉ USD.
Vĩnh Bảo
Nhịp cầu đầu tư
|