Lãi lớn vẫn than lỗ để tăng giá
Doanh nghiệp lợi dụng ưu thế độc quyền trong khi thị trường chưa minh bạch thông tin.
Một số doanh nghiệp (DN) lớn, chiếm lĩnh thị trường như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT)… đều đã công bố doanh thu “khủng”. Thế nhưng trước đó, DN nào cũng than lỗ triền miên và đòi tăng giá. Vậy cơ quan quản lý giám sát độc quyền đã làm hết trách nhiệm chưa? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, về vấn đề này.
“Bảo bọc” DN độc quyền?
Phóng viên: Năm 2013, các DN như Petrolimex, EVN, VNPT… đều than lỗ để đề xuất tăng giá. Và nay kết quả kinh doanh của các DN này đều có mức lãi khá lớn. Ông đánh giá về điều này như thế nào?
+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Điều này cho thấy cách quản lý các DN độc quyền đã đi ngược về mặt lý thuyết. Nhà nước đã quá lo toan việc lỗ lã của DN độc quyền trong khi DN độc quyền có đầy đủ cơ sở để có lãi.
Ở nhiều nước trên thế giới, họ vẫn chấp nhận duy trì sự độc quyền nhưng họ quản lý thế nào để sự độc quyền ấy vẫn phát huy được giá trị của thị trường.
Nếu so sánh giữa mức lãi của các DN độc quyền với sự khó khăn của cả cộng đồng DN sản xuất thì có bất hợp lý không, thưa ông?
+ Chúng ta phải hình dung rằng bản thân các DN độc quyền đang có lợi thế trong kinh doanh với các khu vực thị trường thứ cấp. Tức là với các DN mà họ phải sử dụng dịch vụ của DN độc quyền. Ví dụ, các DN sản xuất dù muốn dù không cũng phải mua điện, hay DN vận tải thì phải sử dụng xăng dầu… Như vậy bản thân thị trường thứ cấp đã lệ thuộc vào các nhà độc quyền rồi. Giờ Nhà nước lại lo toan lỗ lã cho nhà độc quyền thì rõ ràng về lý thuyết nhà độc quyền đã có hai thứ quyền lực tồn tại đồng thời. Đó là quyền lực kinh tế và sự bảo bọc của nhà nước. Làm như vậy thị trường thứ cấp lại càng yếu. Trong khi các DN độc quyền lãi thì ai sẽ trả lại những thiệt hại mà thị trường thứ cấp phải gánh? Nếu như chưa thay đổi được tư tưởng “bảo bọc” DN độc quyền thì đừng nói gì đến giải pháp.
Thiếu minh bạch
Cơ quan quản lý thường nói các chính sách điều hành giá phải hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Thế nhưng theo ông, lợi ích của người tiêu dùng đã được quan tâm chưa?
+ Một nền quản trị kinh tế văn minh phải trả lời được rằng tôi đang đặt ai vào trung tâm. Đó chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể mất thêm 100 đồng cho 1 lít xăng. Và mức tăng giá đó đối với một người là không lớn nhưng đối với cả cộng đồng xã hội thì đấy là một vấn đề. Hay viễn thông đòi tăng giá cước vì lỗ nhưng rồi lại báo lãi lớn. Rõ ràng chúng ta chưa trả lời được người tiêu dùng ở đâu.
Khi xác định được DN lãi thì cái lãi đó có phải là lãi độc quyền hay không. Chúng ta đã có pháp luật, có Luật Cạnh tranh để bảo vệ người tiêu dùng nhưng tất cả luật ấy đã vươn đến nhà độc quyền chưa? Người tiêu dùng chắc chắn từng người không thể đi đòi từng một đồng, hai đồng vì họ cũng không đủ thông tin. Quyền lực Nhà nước và thiết chế của Nhà nước lập nên trong việc quản trị kinh tế có bổn phận bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng đã làm được chưa? Như vậy, sự cân đối giữa chính sách quản trị nhà độc quyền với chính sách bảo vệ người tiêu dùng chưa có tương xứng.
Vậy theo ông làm sao để Nhà nước giám sát tốt các DN độc quyền?
+ Nếu một thị trường chưa minh bạch thì thị trường đó gặp khuyết tật về thông tin. Một thị trường kể cả không có DN thống lĩnh thị trường thì cũng cần minh bạch về thông tin.
Rõ ràng trong năm qua, một số DN than lỗ để Nhà nước đồng ý điều chỉnh giá. Nhưng sau đó đến cuối năm lại lãi “khủng” thì điều đó đã chứng tỏ DN thông tin không đầy đủ. Mặc dù trước đó cơ quan quản lý đã khẳng định rằng minh bạch nhưng đến giờ chúng ta thấy rằng đâu có minh bạch.
Khi chúng ta trả các DN về thị trường thì Nhà nước chỉ nên dùng pháp luật để quản lý các DN độc quyền. Các biện pháp kinh tế cũng phải nhìn nhiều góc độ, phân tích về giá trị kinh tế, thị trường chứ không thể phân tích theo nỗi lo lắng, cảm tính.
Xin cảm ơn ông
Mai Phương
pháp luật tphcm
|