Chủ Nhật, 19/01/2014 13:46

Việt Nam thắng kiện vụ đòi bồi thường gần 4 tỉ USD

Thông tin trên được đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014 - tổ chức hôm qua - 18.1.

Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, từ năm 2010-2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế có liên quan đến nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, có vụ tranh chấp đầu tư quốc tế phải giải quyết tại Hội đồng Trọng tài quốc tế - liên quan tới doanh nghiệp kiện nhau nhưng phía nước ngoài đề nghị có sự can thiệp của Chính phủ VN hoặc có vụ VN kiện nước ngoài (vụ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN kiện các công ty hóa chất Mỹ).

Bộ Tư pháp và các bộ ngành, địa phương liên quan đã tham gia tố tụng trong vụ nhà đầu tư South Fork (Mỹ) kiện tỉnh Bình Thuận đòi bồi thường số tiền lên tới gần 4 tỉ USD. Đến cuối năm 2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tất cả các lập luận và yêu cầu đòi bồi thường của nhà đầu tư này, buộc họ phải bồi thường cho Chính phủ VN toàn bộ chi phí vụ kiện, trong đó có cả chi phí dịch vụ pháp lý và phí trọng tài.

“Đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà VN giành chiến thắng thông qua đàm phán của Hội đồng Trọng tài quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh và môi trường đầu tư ở VN” - đại diện Vụ Pháp luật quốc tế nhận định.

Liên quan đến vụ kiện này, theo nguồn tin, năm 2004, Công ty South Fork được Bộ KH-ĐT cấp phép đầu tư dự án du lịch có diện tích 600ha tại xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình (Bình Thuận). Sau đó, giai đoạn 1 của dự án này, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao hơn 330ha cho Công ty South Fork và yêu cầu công ty phải hoàn thành vốn pháp định tại VN trong vòng 3 tháng.

Trong vòng 5 tháng tiếp theo, nếu có đủ vốn pháp định mà chưa triển khai dự án vẫn bị thu hồi. Mặc dù điều kiện được đưa ra như vậy, nhưng cho đến giữa năm 2010, khi UBND tỉnh Bình Thuận kiểm tra thì South Fork vẫn chưa triển khai dự án.

Nhưng trước đó - tháng 7.2007, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích 120ha trong dự án trên. Việc cấp phép này dựa trên biên bản thỏa thuận giữa South Fork và Công ty Đường Lâm. Tuy nhiên, viện dẫn lý do cấp đất cho khai thác titan, Công ty South Fork đã dừng hẳn dự án và làm các thủ tục kiện ra trọng tài quốc tế.

Theo đó, South Fork đã thuê Công ty luật Dardene & Boyd (Mỹ) làm các thủ tục khởi kiện. Trước đó, hai bên đã có nhiều cuộc thương lượng nhưng bất thành. Hiện nay, khu vực dự án vẫn là đất trống chưa triển khai bất cứ hạng mục nào. Công ty Đường Lâm cũng đã không còn giấy phép khai thác titan trên khu vực dự án này.

Văn bản ban hành phải thông qua pháp chế thẩm định

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác xây dựng văn bản thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều văn bản ban hành chậm đi vào cuộc sống hoặc ngay từ khi ra đời đã gặp phải phản ứng của dư luận. Việc ban hành văn bản quy phạm chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, nhất là các thông tư liên tịch…

Đáng chú ý, hiện nay những cán bộ giỏi đều không muốn làm công tác pháp chế. Những người giỏi và có kinh nghiệm đang làm trong lĩnh vực này lại xin chuyển sang vị trí công tác khác vì chế độ đãi ngộ thấp.

“Làm pháp chế là không có màu gì đâu. Màu tập trung hết vào đầu tư, hạ tầng, tài chính, kế hoạch rồi. Ở các bộ khổ nhất là những người làm công tác pháp chế và tổng hợp. Có thực tế là người làm pháp chế ở các bộ ngành ít được đề bạt lãnh đạo hoặc đánh giá cao, trong khi đó lãnh đạo nhiều vụ, cục trong các bộ ngành thoải mái ký duyệt, ban hành văn bản và không cần thông qua Vụ Pháp chế thẩm định, đã dẫn tới việc ban hành văn bản trái luật và có dấu hiệu tiêu cực” - Phó Thủ tướng nói.

Từ thực trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tư pháp phải xây dựng quy định bắt buộc tất cả các văn bản từ các bộ ngành ban hành ra phải thông qua pháp chế thẩm định. Đặc biệt, các bộ, ngành phải khẩn trương rà soát tổng thể các luật, pháp lệnh hiện hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới phù hợp với Hiến pháp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải quan tâm nhiều hơn tới chế độ, chính sách đãi ngộ cho các cán bộ làm công tác pháp chế.

Nhà nước bồi thường gần 38,5 tỉ đồng

Tại hội nghị, liên quan đến ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết qua giải quyết 37/82 vụ việc trong năm 2013, số tiền Nhà nước phải bồi thường là gần 38,5 tỉ đồng (tăng gấp 5 lần bình quân 3 năm trước đây).

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ quan áp dụng chưa đúng, chưa thống nhất quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và gây bức xúc cho người bị hại.


lao động

Các tin tức khác

>   Singapore đầu tư 4,37 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2013 (19/01/2014)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ vốn của EVN (19/01/2014)

>   Doanh nghiệp Việt đứng tên cho chủ Trung Quốc khai thác (18/01/2014)

>   Bộ Công Thương: Đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ hàng Việt (18/01/2014)

>   Việt Nam-EU đạt nhiều tiến triển trong đàm phán FTA (18/01/2014)

>   Ngành may hướng tới hiệp định TPP (18/01/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng và vị trí chủ lực (18/01/2014)

>   Đảm bảo đủ vốn cho truyền tải (18/01/2014)

>   Hạn chế việc xúc tiến đầu tư đơn lẻ (18/01/2014)

>   Vietnam Airlines ký bảo hiểm 4 tỷ USD cho máy bay (17/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật