Thứ Năm, 14/11/2013 14:49

Tín dụng cuối năm: Ưu đãi vẫn khó kích

Thời điểm kết thúc năm tài chính 2013 đã cận kề, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhiều NHTM vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan. Dù các NH đang tăng tốc đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi, nhưng dòng vốn này chủ yếu hướng đến những doanh nghiệp (DN) đáp ứng điều kiện.

Chủ yếu khách hàng lớn đủ điều kiện

Qua thống kê tăng trưởng tín dụng 10 tháng cho thấy, việc tăng trưởng tín dụng của các NHTM vẫn đang trong tình trạng ảm đạm. Thông thường thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn của khách hàng DN lẫn cá nhân đều tăng mạnh, các NHTM đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Cụ thể, TienphongBank dành thêm 2.500 tỷ đồng để bổ sung vào gói tín dụng ưu đãi đang triển khai để kéo dài chương trình đến cuối năm.

Khách hàng có thể vay VNĐ lẫn USD tùy theo nhu cầu với lãi suất vay VNĐ chỉ từ 9%/năm và lãi suất vay USD 4,8%/năm trong 3 tháng đầu. SHB công bố tiếp tục dành 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với chương trình “Đồng hành DN, vươn tới thành công”, lãi suất 8%/năm cho khách hàng DN đến ngày 31-12.

Dù tín dụng tăng trưởng khá nhưng HDBank cũng dành đến 20 triệu USD cho các DN vay vốn kinh doanh cuối năm với lãi suất chỉ 3%/năm cùng với gói tín dụng 1.000 tỷ đồng lãi suất 8%/năm. VietinBank có gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho DN với lãi suất chỉ từ 6-7%/năm, trong đó sẽ có một phần hạn mức có lãi suất ưu đãi DN xuất nhập khẩu với mức lãi suất ngắn hạn 3-4% /năm (lãi suất tính theo USD).

Techcombank đang kỳ vọng gia tăng tín dụng từ khối DN xuất nhập khẩu và DN có vốn đầu tư nước ngoài khi áp dụng lãi suất vay chỉ từ 8,2%/năm đối với VNĐ và từ 3,8%/năm đối với USD. Đồng thời, Sacombank, OceanBank cũng dành các gói tín dụng hỗ trợ DN lẫn các tiểu thương trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2014 với mức lãi suất thấp.

Hồi đầu năm, vấn đề NH thừa vốn trong khi DN thiếu vốn được đưa ra như một nghịch lý và NH bị “quy tội” làm khó DN, nhưng đến thời điểm này nhiều chuyên gia nhận định việc tăng trưởng tín dụng thấp là do cung cầu không gặp nhau.

DN có nhu cầu lại không có đủ điều kiện, trong khi DN đủ điều kiện lại không có nhu cầu. Hiện tại, quan điểm của các NHTM cũng đã rất rõ ràng, họ hướng sự tập trung đến các khách hàng đáp ứng đủ điều kiện và sẵn sàng ưu đãi cao để thu hút các DN này vay vốn. Còn với các đối tượng khách hàng khác, NHTM sẽ xét duyệt kỹ hơn và mức lãi suất được áp dụng cũng cao hơn theo nguyên tắc rủi ro thấp lãi suất thấp, rủi ro cao, lãi suất cao, quá rủi ro sẽ không cho vay.

Như trong gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của VietinBank, để được vay vốn với lãi suất 6-7%/năm phải là những DN lớn, có uy tín. Với khách hàng mới dù có tiềm năng, có quan hệ hoặc đang có quan hệ và có cam kết sử dụng tăng quy mô vẫn phải tiếp cận với gói tín dụng lãi suất ưu đãi ngắn hạn từ 9-10%/năm. VietinBank cũng trích một phần hạn mức của gói tín dụng này để cho các DN xuất nhập khẩu vay với lãi suất ngắn hạn 3-4%/năm (lãi suất tính theo USD), nhưng nếu là DN lớn và có uy tín sẽ có thể giảm thêm 1%.

Tạo điều kiện mới kích sức mua

Theo nhận định của phó tổng giám đốc một NHTMCP lớn, kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các DN thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng.

Vì vậy đã bước sang những tháng cuối, nhiều DN rục rịch chuẩn bị hàng Tết, nhưng tín dụng DN vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều DN đã chuẩn bị bằng nguồn vốn tự có để giảm bớt chi phí. Việc tiếp cận những khách hàng lớn để đảm bảo chất lượng tín dụng, các NH cũng vấp phải sự cạnh tranh với các NH khác.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện xu hướng lãi suất đang giảm dần và các NHTM cũng chủ động đưa ra các chương trình ưu đãi để phục vụ mùa kinh doanh cuối năm nên lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với DN.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ xấu vẫn còn ám ảnh, các NHTM bắt buộc phải có sự đánh giá kỹ càng hơn đối với khách hàng và điều kiện ràng buộc về tài sản cũng khắt khe hơn, bởi giá trị tài sản thế chấp đa phần là bất động sản trong khi tính thanh khoản, giá trị của bất động sản đang giảm sút. Ngược lại, một số DN đủ điều kiện thì không cần vốn tín dụng vì hoạt động sản xuất kinh doanh đang đi vào các ngành chủ đạo, không đầu tư dàn trải như trước nên nhu cầu vốn cũng giảm xuống.

Để khơi thông điểm nghẽn, đưa vốn đến những DN thực sự cần trong thời điểm này chủ yếu vẫn là tiếp tục thực hiện những biện pháp đang thực thi. Song song đó cũng cần có những chính sách kích thích tổng cầu, bởi đây là thời điểm cuối năm, rất thuận lợi để khôi phục lại sức mua của thị trường. Đồng thời nhanh chóng xử lý nợ xấu, hàng tồn kho…

Bảo Tùng

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Hà Nội nới quy định hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (14/11/2013)

>   Ngân hàng trao vốn cho doanh nghiệp có nợ xấu? (14/11/2013)

>   Mua bảo hiểm mới được vay tiền (14/11/2013)

>   Bắt nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng VDB (14/11/2013)

>   Ngân hàng thương mại tăng vốn nhờ sở hữu chéo (14/11/2013)

>   Chủ thẻ ngân hàng Vietcombank phải khai tên mẹ ruột (14/11/2013)

>   Ngày 13/11, NHNN bơm ra 360 tỷ đồng (13/11/2013)

>   Sẽ từng bước xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo (13/11/2013)

>   Phát hành trái phiếu đặc biệt cho Techcombank, SHB và VietABank (13/11/2013)

>   NHNN yêu cầu đẩy mạnh thanh toán qua POS (13/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật