Mua bảo hiểm mới được vay tiền
Nhiều người vay tiền ngân hàng (NH) thế chấp bằng căn hộ đến khi chuẩn bị giải ngân đã “ngã ngửa” khi NH thông báo phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp mới được giải ngân.
Trong khi NH khẳng định điều này là cần thiết thì khách hàng lại cho rằng mình bị xử ép.
Trước khi ký hợp đồng vay vốn mua nhà, khách hàng cần tìm hiểu kỹ các điều kiện do ngân hàng đưa ra.
|
Muốn giải ngân phải mua bảo hiểm
Anh T. (quận 4, TP.HCM) cho biết vừa qua anh thế chấp căn hộ mình đang ở tại quận 4 để vay 170 triệu đồng tại NH S có trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên đến khi chuẩn bị giải ngân thì NH ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ.
“NH khẳng định đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân, nhưng điều khiến tôi bức xúc hơn cả là suốt quá trình tư vấn nhân viên NH không hề đề cập đến điều khoản này” - anh T. nói. Chưa kể khi anh nói trước đó đã mua khoản bảo hiểm cho căn hộ này và đề nghị sử dụng khoản bảo hiểm này thì NH không đồng ý, mà bắt buộc phải mua bảo hiểm do NH chỉ định và bên thụ hưởng phải là NH.
Trước đó, chị Hoa mua căn hộ tại quận Bình Tân, vay vốn của một NH cổ phần lớn và thế chấp bằng chính căn hộ cũng được NH yêu cầu mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp. Mức mà NH đưa ra cho chị chọn lựa là 2% trên 110% giá trị khoản vay hoặc 1% trên tổng giá trị căn hộ nhân với số kỳ thanh toán (mỗi kỳ thông thường 10 năm).
Với căn hộ khoảng 1 tỉ đồng và số tiền vay tương ứng với 70% giá trị căn hộ, thời gian vay trong vòng 20 năm, số tiền chị Hoa phải bỏ ra để mua bảo hiểm dao động 15-20 triệu đồng. Chị Hoa cũng bức xúc vì suốt quá trình tư vấn nhân viên NH không nói đến điều khoản này, chỉ đến khi chuẩn bị giải ngân chị mới được thông báo.
“NH đặt tôi vào tình thế đã rồi vì trước đó NH thẩm định xong, đồng ý xét duyệt cho vay nên tôi đã đóng 30% tiền mua căn hộ. Đợi đến lúc này NH mới ra điều kiện để giải ngân khiến tôi tiến thoái lưỡng nan” - chị Hoa nói. Sau đó, chị Hoa không đồng ý mua khoản bảo hiểm đó nên NH cũng từ chối giải ngân làm chị phải chật vật vay mượn người thân để có tiền đóng các đợt sau.
Mỗi nơi một kiểu
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc quy định phải mua bảo hiểm với tài sản thế chấp không phải NH nào cũng áp dụng. Một nhân viên tín dụng NH ACB cho biết tùy vào loại tài sản đảm bảo mà NH có yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm hay không. Chẳng hạn nếu tài sản thế chấp là cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, dãy nhà trọ cho thuê... thì NH yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm hỏa hoạn. Tương tự, tài sản thế chấp là xe cộ thì NH cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm.
Nếu tài sản thế chấp là căn hộ, nhà phố hoặc khoản vay quá nhỏ so với giá trị tài sản thế chấp thì thường NH không yêu cầu mua bảo hiểm, trừ trường hợp nhân viên NH thẩm định thấy quá rủi ro. Tương tự, Sacombank cũng chỉ yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm với một số tài sản thế chấp có rủi ro cao và trong thông báo cấp tín dụng NH nêu rõ điều khoản này.
Trong khi đó, một số NH khác coi điều khoản này là bắt buộc. Số tiền khách hàng phải chi để mua bảo hiểm cũng khác nhau. Có nơi chỉ khoảng 0,2% giá trị tài sản đảm bảo, tương ứng vài triệu đồng nếu khoản vay nhỏ, nhưng cũng có nơi lên đến vài chục triệu đồng với khoản vay từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần nói việc yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm vì các hợp đồng vay này kéo dài nhiều năm, thậm chí đến 20 năm, trong quá trình vay vốn nếu xảy ra những bất trắc như cháy nổ, động đất... làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp thì công ty bảo hiểm sẽ thay người vay tiếp tục trả nợ cho NH. Chỉ khi nào người vay đã trả hết số tiền nợ bao gồm cả vốn và lãi cho NH thì người thụ hưởng bảo hiểm mới được chuyển từ NH sang người vay.
Đại diện một NH cho rằng nên cân nhắc với yêu cầu này bởi những người mua căn hộ thường thu nhập không cao, lại phải chịu thêm một khoản chi phí phát sinh là tăng thêm gánh nặng. “Tất nhiên nếu NH coi đó là một điều khoản bắt buộc thì trước khi làm hồ sơ phải thông báo rõ cho khách hàng, tránh trường hợp nhân viên NH tư vấn không đến nơi đến chốn hoặc đợi đến khi chuẩn bị giải ngân mới thông báo, từ đó gây bức xúc nơi người vay” - vị đại diện này nói.
Theo các chuyên gia, về phía người vay cũng nên tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc của NH khi vay vốn để lường trước các tình huống. Ngoài ra người vay cũng nên chú ý đến điều kiện sang nhượng hợp đồng cho người mua sau hoặc điều kiện hoàn tiền nếu chấm dứt hợp đồng vay vốn trước hạn. Trên thực tế nhiều khách hàng sau khi vay NH một vài đợt đã sang nhượng lại căn hộ, nhưng do người mua sau không có nhu cầu vay NH tuy nhiên không thể yêu cầu đơn vị bảo hiểm hoàn tiền vì khoản này không quy định trong hợp đồng.
Ánh Hồng
Không thể đặt khách hàng vào sự đã rồi
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết NH Nhà nước không quy định bắt buộc việc phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp, mà đó là quy định riêng của từng NH và không trái với quy định chung của NH Nhà nước.
Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nói việc NH yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm với căn hộ chung cư nhằm đảm bảo cho NH không bị mất vốn nếu xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, nếu NH có yêu cầu bắt buộc này thì phải ghi trong hợp đồng vay và tư vấn rõ để bên vay cân nhắc, tránh trường hợp đẩy khách hàng vào tình huống “sự đã rồi”.
* Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC (phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành):
Đẩy khó cho người mua nhà
Việc các ngân hàng “đẻ” ra điều kiện khách hàng phải mua bảo hiểm căn hộ mới được giải ngân là đẩy cái khó cho người mua nhà. Khi đó giá nhà lại bị đội lên, vượt quá sức mua của người dân. Theo tôi, trước khi cho vay phía ngân hàng phải thẩm định dự án, thẩm định khách hàng chứ không thể đẩy khó cho người mua nhà. Ở góc độ chủ đầu tư, khi thực hiện dự án chúng tôi đã mua bảo hiểm công trình (trong đó bao gồm bảo hiểm cháy nổ) có giá trị khoảng 200-300 triệu đồng/công trình nên chủ đầu tư không thể mua thay khoản bảo hiểm này cho khách hàng được.
Đ.Dân
|
Tuổi trẻ
|