Thứ Tư, 13/11/2013 21:39

Sẽ từng bước xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy khi trả lời bằng văn bản câu hỏi của Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) liên quan đến vấn đề xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng.

Vấn đề có tính lịch sử

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất và một số hậu quả khác. Hiện tượng này có ở hầu hết các hệ thống tài chính trên thế giới với quy mô, mức độ phức tạp và biện pháp quản lý, kiểm soát khác nhau.

Tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Theo Thống đốc, nhận thức rõ vấn đề này, Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định: Các TCTD không được phép sở hữu cổ phần lẫn nhau (Khoản 5 Điều 129); các công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó (Khoản 2 Điều 135).

Tuy nhiên do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực) hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác.

NHNN đã tiến hành thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của các TCTD và đã khái quát được đầy đủ thực trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số NHTMCP có một số cổ đông là TCTD khác.

"Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mặc dù mới chỉ ở mức quy mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các TCTD này và toàn hệ thống ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Xử lý thận trọng để giữ ổn định hệ thống

Khẳng định xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD và hệ thống các TCTD; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sở hữu chéo tới an toàn hoạt động ngân hàng...

Tuy nhiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, quan điểm xử lý sở hữu chéo là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD; giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể.

Trên cơ sở đó, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như tăng cường thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD. Đồng thời xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.

Trong các phương án tái cơ cấu của các TCTD, NHNN yêu cầu TCTD vi phạm các quy định về sở hữu chéo, đầu tư, giới hạn sở hữu vốn và cấp tín dụng cũng như các quy định an toàn khác phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu các DNNN, tổng công ty Nhà nước xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD.

NHNN cũng giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan...

"Với các biện pháp toàn diện như trên, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đang từng bước được xử lý", Thống đốc nhấn mạnh và cho biết thêm, trong thời gian tới, cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, tình trạng sở hữu cổ phần lẫn nhau của các TCTD sẽ được từng bước xử lý dứt điểm, phù hợp với quy định pháp luật.

Chí Kiên

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Phát hành trái phiếu đặc biệt cho Techcombank, SHB và VietABank (13/11/2013)

>   NHNN yêu cầu đẩy mạnh thanh toán qua POS (13/11/2013)

>   NHNN yêu cầu các TCTD xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu (13/11/2013)

>   Chủ tịch Eximbank phủ nhận chuyện nội bộ lục đục (13/11/2013)

>   Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng… nới nhầm (13/11/2013)

>   Lãi suất cho vay tín chấp DN: Tùy mức độ tín nhiệm (13/11/2013)

>   Ngành Ngân hàng dưới góc nhìn của “Sách Trắng 2014” (13/11/2013)

>   Lãi suất cho vay mua nhà 6% cao hay thấp? (13/11/2013)

>   Giá bán USD phổ biến ở mức 21.115-21.120 đồng/USD (13/11/2013)

>   ACB: Quý 3 lãi ròng 400 tỷ đồng, nợ xấu vọt lên 3.34% (13/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật