Ngành Ngân hàng dưới góc nhìn của “Sách Trắng 2014”
Dẫu đây cũng mới là những đề xuất từ một bộ phận các DN nước ngoài tại Việt Nam, nhưng rõ ràng, với những đề xuất thẳng thắn và mang tính xây dựng, cụ thể như trong “Sách Trắng 2014” thì rất cần các cơ quan hữu quan của Việt Nam phát huy tinh thần cầu thị, hợp tác và xây dựng giải quyết thỏa đáng nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch cho tất cả các thành viên thị trường.
Khen thật
“Kể từ phiên bản trước của Sách Trắng, ngành Ngân hàng tiếp tục chứng kiến sự thành công của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tăng dự trữ ngoại hối và quản lý thị trường vàng. Vấn đề lạm phát trong thời gian qua cũng đã được giải quyết và hiện đang ở mức ổn định. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện đáng kể, ổn định tiền tệ được duy trì và lãi suất tín dụng của đồng nội tệ ổn định trong chừng mực có thể quản lý” – “Sách Trắng 2014” của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã bắt đầu chương về Các vấn đề của Ngành Tài chính - Ngân hàng bằng những lời “có cánh” như thế.
Sách Trắng là một ấn phẩm thường niên đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý hiện tại của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp (CĐDN) châu Âu. Ấn phẩm này không chỉ nhằm cung cấp thông tin cho công tác hoạch định chính sách mà còn nhằm tạo nền tảng cho các cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng giữa CĐDN châu Âu với Chính phủ Việt Nam. Sách cũng phản ánh trực tiếp các vấn đề về thương mại, đầu tư và kiến nghị của CĐDN với Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan.
Thêm một yếu tố mang tính văn hóa nữa cũng cần đề cập tới, ấy là người châu Âu nhẹ nhàng nhưng rất thẳng thắn, rõ ràng. Cái gì đáng khen là khen; cái gì chưa rõ phải làm cho rõ; cái gì thấy vướng mắc, thấy “gai” là phải đưa ra đề xuất, kiến nghị giải quyết. Tư tưởng ấy có thể thấy rất rõ trong Sách Trắng lần này, từ phần tổng quan chung đến từng bộ, ngành liên quan nói riêng. Và cố nhiên, không chỉ lần này mà những lần xuất bản trước, tinh thần ấy cũng thể hiện rõ. Bởi vậy, đừng mong họ “khen” nếu ta không thực sự đáng khen.
“Ổn định KTVM đạt được chủ yếu nhờ những chính sách, giải pháp của NHNN và sẽ tạo nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới” – Sách Trắng tiếp tục phần đánh giá tổng quan về kết quả điều hành chính sách của Việt Nam. Đồng thời cho rằng, trong các lĩnh vực khác của ngành Ngân hàng cũng đã có những biến chuyển tích cực với việc sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng. Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, CĐND châu Âu nhận định: tuy không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất nhưng việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ góp phần giải quyết vấn đề này cùng với việc triển khai Thông tư 02 tới đây…
Những điểm Sách Trắng lần này nhấn mạnh, và cũng có thể là một trong những lý do chính để Sách Trắng năm nay đánh giá rất tích cực về vai trò của NHNN, đó chính là tinh thần cầu thị, hợp tác và xây dựng của NHNN trong quá trình quản lý và vận hành hệ thống ngân hàng vì sự phát triển vững mạnh và phù hợp với thông lệ quốc tế. “NHNN đã cung cấp nhiều cơ hội cho các DN và tổ chức trong đóng góp ý kiến và phản hồi về những thay đổi quy định hiện hành và quy định mới. Trong nhiều trường hợp, NHNN đã tiếp thu các thông tin phản hồi và sửa đổi các quy định để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế tốt nhất, cũng như hỗ trợ sự phát triển lành mạnh cho ngành Ngân hàng”.
Phê thẳng
Nhưng với cách diễn đạt thẳng thắn như đề cập ở trên, Sách Trắng năm nay cũng chỉ ra rất nhiều những vướng mắc, những vấn đề, kèm theo đó là các đề xuất, kiến nghị mà NHNN và các bộ, ngành liên quan khác cần tiếp tục nỗ lực giải quyết.
Đơn cử, EuroCham kiến nghị: NHNN cần có chỉ thị quy định rõ ràng trong thời gian chờ định hướng xử lý tổng thể bất cập hiện nay giữa giấy phép hoạt động hiện tại với yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 40 của NHNN để tránh sự gián đoạn trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng, bao gồm cả rủi ro vi phạm nghĩa vụ pháp lý. Theo đó, mỗi công văn NHNN chấp thuận cho phép cung cấp một dịch vụ, sản phẩm hoặc một “giấy phép con” đơn lẻ là một phần không tách rời với giấy phép hoạt động.
“Điều này thực sự cần thiết để ngân hàng đăng ký các sản phẩm, dịch vụ này với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, đồng thời giúp làm giảm thời gian và nỗ lực của các ngân hàng khi thực hiện việc đăng ký” – Sách Trắng nêu rõ.
EuroCham cũng đề xuất, NHNN xem xét phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cơ chế chấp nhận giấy phép thành lập và hoạt động của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đồng thời có giá trị như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hay một vấn đề khác, liên quan đến Dự thảo nghị định về Luật Phòng chống rửa tiền.
Theo đó, để thực thi việc kiểm soát và phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả thì việc các TCTD tuân theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất là rất cần thiết. Trên tinh thần đó, Sách Trắng kiến nghị NHNN và các bên liên quan điều chỉnh yêu cầu xác định: “cá nhân nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân” thành: “cá nhân nắm giữ trực tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân”, vì đây là tỷ lệ phổ biến được áp dụng tại nhiều quốc gia. Đồng thời, đề nghị NHNN xem xét lại định nghĩa xác định chủ sở hữu thụ hưởng là “cá nhân nắm giữ từ 20% trở lên vốn điều lệ của tổ chức góp trên 10% vốn pháp định của pháp nhân” – vì việc này đồng nghĩa với yêu cầu phải xác định cá nhân nắm giữ 2% vốn điều lệ của pháp nhân.
“Yêu cầu này không những mâu thuẫn với quy định xác định cá nhân nắm giữ 10% vốn điều lệ như yêu cầu trong “cá nhân nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân”, mà còn không khả thi trong việc thực hiện. Do vậy, chúng tôi xin đề nghị quy định này nên điều chỉnh thành “cá nhân nắm giữ từ trên 50% trở lên vốn điều lệ của tổ chức góp trên 25% vốn của pháp nhân đó” – Sách Trắng kiến nghị.
Đây chỉ là 2 trong một số kiến nghị được đưa ra liên quan đến ngành Tài chính - Ngân hàng và nằm trong một số kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành khác.
Dẫu đây cũng mới là những đề xuất từ một bộ phận các DN nước ngoài tại Việt Nam, nhưng rõ ràng, với những đề xuất thẳng thắn và mang tính xây dựng, cụ thể như vậy thì rất cần các cơ quan hữu quan của Việt Nam phát huy tinh thần cầu thị, hợp tác và xây dựng giải quyết thỏa đáng nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch cho tất cả các thành viên thị trường.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|