Ngân hàng trao vốn cho doanh nghiệp có nợ xấu?
Sau gần 1 tháng thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Công văn 7558 về việc tạo điều kiện cho DN có nợ xấu được tiếp cận vốn mới đầu tư sản xuất - kinh doanh, đến nay, kết quả dường như chưa mấy khả quan.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, trong lúc này, không phải ngân hàng nào cũng mạnh dạn trao vốn cho DN có tiền sử nợ xấu. Bởi rủi ro nợ xấu luôn là mối lo ngại, quan tâm hàng đầu trong phát triển tín dụng hiện nay và ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay.
“Mặc dù đã được kiểm soát kỹ chất lượng khoản vay, song nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên. Không chỉ với khoản vay cũ, mà ngay cả với những khoản vay mới giải ngân vài tháng trước, nguy cơ nợ xấu cũng rình rập.
Nguyên nhân chính là hàng hóa sản xuất ra DN không tiêu thụ được, trong khi tài sản thế chấp vay chính là dòng tiền bán hàng”, vị chủ tịch trên nói và cho biết, đó cũng là lý do đẩy nợ xấu của ngân hàng tăng, nhất là nợ nhóm 5.
Lối ra cho đồng vốn đang bế tắc, dù lãi suất đã từng bước được cắt giảm so với trước. Đánh giá được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn đối với các ngân hàng.
Kết quả, các ngân hàng không cho vay ra được, dù vốn đang dôi dư, trong khi nhiều DN vẫn đang thiếu vốn. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay rất khó kỳ vọng đạt được. Tuy nhiên, để giải quyết được nợ xấu, đòi hỏi phải có thời gian.
Báo cáo tài chính quý III vừa được không ít ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong quý này đã tăng nhanh và cao hơn so với hai quý trước đó. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm phần lớn tổng nợ xấu của các ngân hàng. Chẳng hạn, tại Southern Bank, nợ nhóm 5 chiếm gần 1.000 tỷ đồng. Tương tự, nợ có khả năng mất vốn của PGBank chiếm xấp xỉ 50% trong tổng số 1.200 tỷ đồng nợ xấu.
Không chỉ với nhà băng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng lớn, nợ nhóm 5 tính tại thời điểm cuối quý III cũng tăng mạnh. Nợ nhóm 5 của DongA Bank đến cuối tháng 9/2013 là gần 600 tỷ đồng, cho dù tình hình nợ xấu của nhà băng này đã được cải thiện đáng kể và giảm về dưới ngưỡng 3%. Vì thế, dù đã nỗ lực cơ cấu lại nợ và hỗ trợ vốn mới để tháo gỡ khó khăn cho DN, song đến hết quý III, dư nợ tín dụng của DongA Bank chỉ tăng 1,2% so với chỉ tiêu 9% cho cả năm.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank, chủ trương của Ngân hàng từ đầu năm đến nay là đẩy mạnh tái cơ cấu nợ và cùng DN tháo gỡ khó khăn để có thể tiếp cận vốn mới. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của DN tốt không có và DN chủ yếu tận dụng tối đa nguồn vốn tự có. Ngược lại, với những khách hàng chấp nhận vay lãi suất cao, DongA Bank cũng phải thận trọng khi trao vốn nên tín dụng khó tăng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Giám đốc VietinBank Chi nhánh Tân Bình, nhu cầu vốn trong mùa kinh doanh cuối năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái. Lúc này, các DN chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có và hạn chế sử dụng vốn vay để giảm chi phí.
Vì thế, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm của khách hàng DN hiện nay đã giảm đáng kể so với những năm trước, chỉ chiếm khoảng 10% tổng tiền gửi. Trong khi đó, nguồn tiết kiệm từ khu vực dân cư lại tăng, cho thấy người dân đang thắt chặt chi tiêu, hàng hóa sản xuất ra lại càng khó tiêu thụ.
Bà Mai cũng cho hay, VietinBank Chi nhánh Tân Bình đang đẩy mạnh cho vay không chỉ với khách hàng DN, mà cả với cá nhân.
Lãi suất cho vay của VietinBank chỉ từ 8 - 9%/năm đối với khách hàng DN và 10 - 12%/năm đối với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ lúc này, theo bà Mai, là không dễ và phải kiểm soát được chất lượng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, NHNN đang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tổng hợp báo cáo kết quả sau 1 tháng thực hiện chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn cho DN có nợ xấu được vay vốn mới để tiếp tục đầu tư, sản xuất - kinh doanh nếu xét thấy dự án có tính khả thi, hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Minh đánh giá, trước diễn biến thị trường còn khó khăn như hiện nay, nhu cầu đầu tư mới của DN rất ít. Vì thế, mặc dù các ngân hàng đã ra sức tái cơ cấu nợ, song tăng trưởng tín dụng khó đạt kỳ vọng. Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM trong 10 tháng đầu năm chưa cải thiện nhiều, vẫn chiếm tới 6,22% tổng dư nợ. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm 70% tổng nợ xấu, buộc các ngân hàng phải thận trọng trong cấp vốn.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|