Thứ Tư, 20/11/2013 17:21

Nợ xấu tăng chậm và đang từng bước được xử lý

Câu chuyện nợ xấu vẫn đang là mối quan tâm lớn của nền kinh tế cũng như công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua. Nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra trong dư luận rằng nợ xấu đang được xử lý như thế nào, các khoản nợ xấu mà các ngân hàng đã bán sẽ được xử lý ra sao.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

- Việc xử lý nợ xấu đang được thực hiện thế nào và con số nợ xấu thực tế hiện nay ra sao thưa ông?

- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Tháng 5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ và đã được thông qua đề án xử lý nợ xấu và đề án thành lập Công ty quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC). Có thể nói nợ xấu hiện nay đã bước đầu được kiềm chế và từng bước được xử lý. Dưới góc độ ngành ngân hàng, tất cả các giải pháp thuộc trách nhiệm ngành ngân hàng được nêu trong đề án đã được chúng tôi triển khai đồng bộ.

Cụ thể, thực hiện việc cơ cấu lại các khoản nợ xấu; các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; khẩn trương thành lập và đưa vào hoạt động hoạt động của VAMC.

Ngành ngân hàng thực hiện tiết giảm chi phí, hạn chế việc chia cổ tức để tạo nguồn vốn xử lý nợ xấu; tích cực rà soát đánh giá lại cơ chế chính sách về quản lý tín dụng, hoạt động tín dụng để bảo đảm có bộ quy chế an toàn tín dụng, phòng ngừa và ngăn chặn nợ xấu phát sinh trong tương lai. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu và củng cố lại năng lực quản lý, quản trị rủi ro.

Với những giải pháp này, đến nay kết quả đạt được rất đáng mừng, mức tăng nợ xấu thời điểm này chỉ bằng 1/3 của cùng kỳ năm ngoái. Đến 30/9, con số nợ xấu cụ thể ở mức 4,62%. Nếu như ngành ngân hàng không quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu thì ngày hôm nay chúng ta phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu là 12,7%. Có thể nói, nợ xấu tăng chậm và bước đầu đã được xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới có thực sự bền vững hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó những giải pháp kinh tế vĩ mô như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường bất động sản, xử lý hàng tồn kho... là những yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

- Nhiều ý kiến còn băn khoăn rằng VAMC mua nợ xấu vào nhưng còn chưa rõ sẽ bán như thế nào, ông lý giải ra sao về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Về quy định, sau khi mua nợ xấu, VAMC phải giữ lại giống như giữ hàng trong kho và họ có trách nhiệm xử lý những khoản nợ xấu ấy thông qua rất nhiều biện pháp khác nhau. Họ có thể cơ cấu lại khoản nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm...

Về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, theo quy định của pháp luật hiện nay, họ có thể tiến hành bán tài sản đảm bảo theo phương pháp thỏa thuận hoặc tự mình đấu giá các tài sản đó hay chuyển qua các trung tâm bán đấu giá chuyên nghiệp.

Ngoài ra, VAMC có thể bán khoản nợ, thậm chí họ có thể nhận các tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ nợ của khách hàng, trên cơ sở có các tài sản ấy họ tiến hành việc đầu tư, khai thác để tạo ra lợi nhuận. Một giải pháp nữa cũng có thể triển khai là có thể chuyển đổi các khoản nợ ấy thành vốn góp vào doanh nghiệp sau đó tái cấu trúc doanh nghiệp. Có thể nói có rất nhiều giải pháp và VAMC sẽ phải lựa chọn sao cho phù hợp với từng khoản nợ và VAMC cũng không thể áp dụng giải pháp như nhau đối với tất cả các nhóm nợ.

- Mục tiêu mà VAMC hướng tới trong tương lai là gì thưa ông?

- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Qua hơn 3 tháng hoạt động, với những kết quả VAMC đạt được, dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi hết sức vui mừng bởi những giải pháp xử lý của VAMC trong dư luận cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng trong thời gian ngắn VAMC đã mua được số lượng lớn như vậy đã chứng tỏ cộng đồng ngân hàng đã tin tưởng vào hoạt động xử lý nợ xấu qua VAMC. Trong số nợ xấu các tổ chức tín dụng bán cho VAMC, có thể nói có những tổ chức tín dụng thuộc nhóm đối tượng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, có những đối tượng Ngân hàng thương mại Nhà nước, tổ chức tín dụng yếu kém và kể cả tổ chức tín dụng bình thường. Điều đó chứng tỏ những nghi ngại về phương thức xử lý nợ xấu này đã thực sự được xóa bỏ.

Về triển vọng và khả năng xử lý của VAMC, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại để tìm hiểu nhu cầu của họ từ nay đến cuối năm có thể bán cho VAMC được bao nhiêu, kết quả cũng rất đáng mừng khi có tới gần 50.000 tỷ đồng nợ xấu đang được các ngân hàng thương mại chào bán. Cho nên, mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho VAMC là từ nay đến cuối năm làm thế nào để xử lý được 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu mua được là có thể trở thành hiện thực.

Dài hạn hơn, chúng tôi kỳ vọng như đã nêu trong đề án thành lập công ty này, chúng tôi không coi đây là phương thức duy nhất để xử lý nợ xấu mà chỉ góp phần xử lý nợ xấu. Chúng tôi đặt mục tiêu VAMC góp phần xử lý khoảng 40% - 50% tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong tương lai xa, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng VAMC sẽ phát triển được năng lực chuyên môn của mình và từng bước chuyển sang mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Chúng tôi cũng muốn trong tương lai, tất cả những nhiệm vụ của VAMC đã được quy định sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn.

Chúng tôi cũng hy vọng VAMC có thể tự đứng vững và lành mạnh về tài chính, lấy thu bù chi, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu. Đặc biệt, đặt sự kỳ vọng VAMC không cần phải dùng đến tiền Nhà nước trong xử lý nợ xấu.

- Xin cảm ơn ông!

vietnam+

Các tin tức khác

>   Kiều hối đã chán địa ốc (20/11/2013)

>   20 ngân hàng đã chuyển nợ xấu qua VAMC (20/11/2013)

>   Mở hết van, tín dụng vẫn khó đạt (20/11/2013)

>   Thống đốc: Cho người nghèo vay, nợ xấu chưa tới 1% (20/11/2013)

>   Cho vay mới khó tăng khi nợ cũ tồn đọng (20/11/2013)

>   VAMC tuyển dụng nhân sự (20/11/2013)

>   Ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật (20/11/2013)

>   Ngân hàng “đổ bộ” vào thị phần bán lẻ (20/11/2013)

>   Ngân hàng 9 tháng đầu năm: Lợi nhuận – nợ xấu trái chiều (20/11/2013)

>   “Chạy” nợ ngân hàng (19/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật