Ngân hàng “đổ bộ” vào thị phần bán lẻ
Việt Nam có nhiều ưu thế khi chuyển qua bán lẻ: Dân số đông trong khi lượng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chỉ mới đạt 30%.
“Từ đầu năm đến nay, doanh số nhờ các hoạt động bán lẻ của ngân hàng lại tăng mạnh. Điều đó cho thấy các ngân hàng (NH) đang có xu hướng chuyển từ bán buôn sang bán lẻ”. Đây là lời nhận định của ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tại Diễn đàn NH Đông Nam Á do Hiệp hội NH Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG ASEAN tổ chức ngày 19-11.
Nhiều ưu thế ở thị trường bán lẻ
Trao đổi bên lề hội thảo, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc NH Quân đội (MB), cho biết NH bán buôn nghĩa là trước đây NH tập trung các dịch vụ phục vụ cho những doanh nghiệp lớn, xí nghiệp lớn, các dự án, công trình và các tập đoàn kinh tế… Nay NH chuyển sang bán lẻ, nghĩa là NH thiết kế các dịch vụ phục vụ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa là chính.
Tuy nhiên, tại hội thảo ông Hà Huy Tuấn khẳng định rằng các dịch vụ trước đây của NH chỉ tập trung bán buôn vì nó đem lại lợi nhuận cao.
Tiếp đãi ân cần, giao dịch nhanh lẹ là một trong những lợi thế cạnh tranh trong thị trường bán lẻ của các ngân hàng. Ảnh: HTD
|
Vấn đề đặt ra là đang nhận lợi nhuận cao, tại sao NH lại chuyển hướng sang bán lẻ? Tổng giám đốc của một NH cho rằng theo quy luật, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Khi cho các tập đoàn, nhà máy lớn… vay, đương nhiên lợi nhuận đem về cao. Nhưng khi doanh nghiệp gặp khó thì rủi ro cũng cao. Đây là một trong các nguyên nhân làm nên nợ xấu. Đó cũng chính là định hướng sai của các NH, trong khi nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 90% đáng ra cần tập trung hơn cả.
Theo ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB, chúng ta có nhiều ưu thế khi chuyển qua bán lẻ. Cụ thể số lượng dân số nước ta đông, trong khi số lượng tiếp cận các dịch vụ NH chỉ mới 30%, dư địa còn rất lớn. Thứ hai dân số trẻ nên khả năng tiếp nhận thông tin nhanh… Chính vì thế đây là cơ hội để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh. Trong tương lai, các sản phẩm mới sẽ dần thay thế các sản phẩm truyền thống.
Có thể sử dụng vân tay cho ATM
Theo ông Tiến, khi NH chuyển qua bán lẻ, yêu cầu về các dịch vụ phải mới, đa dạng, nhanh và đơn giản. Bởi một khi đã chuyển sang bán lẻ là đi sâu vào chi tiết người tiêu dùng.
Với xu hướng này, nhiều chuyên gia dự báo các NH sẽ buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ. Đặc biệt là cạnh tranh nâng cấp các sản phẩm và dịch vụ. Như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc NH ANZ Việt Nam, lưu ý hãy chú ý tới các vật dụng kèm theo của khách hàng thời nay. Làm sao họ có thể sử dụng các dịch vụ của NH bằng điện thoại, laptop… 24/24 giờ. Đặc biệt các mẫu kê khai, dịch vụ phải thật đơn giản nên giống nhau và dễ sử dụng.
Ngoài ra, vấn đề rất nhiều người quan tâm là tính an toàn, nhất là trong thời gian qua có rất nhiều vụ gian lận liên quan đến thẻ ATM.
Trao đổi bên lề diễn đàn, ông Rahn Wood, Giám đốc Khối NH bán lẻ của VIB, cho rằng thông thường khi đưa ra một sản phẩm dịch vụ nào người ta phải nhìn vào văn hóa nước đó. Nhưng về cơ bản, có ba cách để bảo đảm an toàn trong vấn đề sử dụng thẻ:
Thứ nhất là phương pháp truyền thống sử dụng camera.
Thứ hai là sử dụng chip công nghệ trên thẻ và hiện nay một vài NH ở Việt Nam đã áp dụng. Ở Úc cũng áp dụng công nghệ sử dụng chip giống Việt Nam song có thể công nghệ Úc cao cấp và thông minh hơn.
Thứ ba, Úc còn có một đội phân tích các giao dịch của từng khách hàng. Nếu thấy có sự đột biến, họ sẽ báo cho khách hàng để đảm bảo những rủi ro có thể xảy ra.
“Riêng về việc dùng vân tay, ở Úc khách hàng sẽ không cảm thấy hài lòng mặc dù nó an toàn. Bởi với việc sử dụng vân tay luôn làm người Úc nghĩ đến việc mình vướng vào chuyện gì đó nên phải gặp an ninh. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây không phải là vấn đề lớn. Song Việt Nam ngoài phương pháp truyền thống là dùng camera thì có thêm dịch vụ báo qua tin nhắn khi khách hàng rút tiền nhưng đây không phải là giải pháp đột phá” - ông Tareq Muhmood nói.
Lợi nhuận bán lẻ của MB tăng năm lần
Năm 2013 dịch vụ bán lẻ thu hút khách hàng tăng ba lần so với năm 2010 và lợi nhuận tăng gấp năm lần.
Ông LÊ CÔNG, Tổng Giám đốc MB
Hoạt động bán lẻ chiếm 55%
NH bán lẻ đang chứng tỏ được vai trò của mình khi doanh số hoạt động từ huy động bán lẻ chiếm 50%-55%.
Bà NGUYỄN TÚ ANH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Smartlink
ANZ hoạt động bán lẻ tăng 30%
Điều quan trọng là tạo sự khác biệt trong các sản phẩm. Đến nay hoạt động bán lẻ của ANZ tăng 30% so với trước đây. Trong tương lai ANZ hướng tới con số 50%.
Ông TAREQ MUHMOOD, Tổng Giám đốc NH ANZ Việt Nam
|
Yên Trang
pháp luật tphcm
|