Tín dụng năm 2014-2015: Chỉ nên tăng 10%?
Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015” vừa diễn ra sáng 18-11 tại Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp báo Lao Động tổ chức.
Để hiểu cần ngồi dịch gần nhau
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm đến nay, các công cụ chính sách tiền tệ đã được NHNN kết hợp hài hòa để chủ động đưa tiền ra và rút bớt tiền về một cách linh hoạt qua các kênh để kiểm soát tổng phương tiện thanh toán của cả năm 2013 tăng khoảng 14-16% theo mục tiêu đề ra từ đầu năm. Qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát ở mức 5,14% trong 10 tháng đầu năm và dự kiến lạm phát cả năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012 như mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Ông Sumit Dutta khuyến nghị, NHNN cần lưu ý việc tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng
|
Mặc dù nhận định chính sách tiền tệ đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng vẫn cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự thốnguốt do sức cầu trong nước còn yếu…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề thực hiện chính sách tiền tệ trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao chuẩn mực an toàn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) phù hợp với công nghệ quốc tế như áp dụng triệt để các nguyên tắc quản trị DN của OECD, hạn chế đầu tư chéo dưới mọi hình thức…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng cho rằng, trong ngắn hạn, các chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách xử lý nợ xấu, giảm rào cản thủ tục… đảm bảo dòng vốn tín dụng đi đúng vào khu vực kinh doanh thực và khu vực ưu tiên.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, tính đến thời điểm này, mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm là khó thực hiện được, tuy nhiên điều cần thiết hiện nay là hệ thống ngân hàng không được tăng tốc độ và phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, hiện chỉ có 50% số doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, tuy nhiên để tìm được điểm chung giữa doanh nghiệp có khả năng hoạt động đang cần vốn và các ngân hàng thì cả hai bên cần ngồi lại với nhau để thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cho doanh nghiệp vay. Doanh nghiệp vay được vốn thì ngân hàng mới tồn tại được. Nếu thực hiện được điều này trong hơn một tháng còn lại của năm thì đây cũng có thể là kinh nghiệm để thực hiện trong năm tiếp theo.
Theo ông Kiêm, nếu năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không đạt được mục tiêu 12% thì sang năm khó có thể đạt được mục tiêu như vậy, chưa nói đến khả năng mục tiêu của năm sau còn cao hơn.
Thu hẹp lãi suất huy động và cho vay
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện hiện nay đã có thể lại tính đến việc bỏ trần lãi suất bởi chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay cũng không có ngân hàng nào mở tiếp cuộc đua lãi suất, lạm phát cũng đã được ghìm giữ.
Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, trong điều kiện lãi suất cơ bản chưa phát huy được vai trò điều tiết gián tiếp thị trường tiền tệ thì việc duy trì lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay 5 đối tượng ưu tiên là hết sức cần thiết, ít nhất cần thực hiện 6 tháng đầu năm 2014 nhằm phát huy tín hiệu thực sự về lãi suất thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong hai năm 2014-2015 chưa xuất hiện điều kiện chín muồi thực hiện chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu do đó vẫn phải thực hiện đa mục tiêu, song song với đó là ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát phải được đặt lên hàng đầu.
Diễn biến CPI trong hai năm 2014-2015 đươc dự báo vẫn có những nguyên nhân như những năm qua, trách nhiệm về kiềm chế lạm phát vẫn được đổ dồn lên chính sách tiền tệ. Vì vậy NHNN một mặt cần chủ động linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, một mặt phải phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Dự báo về tình hình kinh tế năm 2014-2015, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Sumit Dutta cho rằng GDP năm 2014 của Việt Nam khoảng 5,4 %, năm 2015 là 5,8 %, lạm phát vẫn đạt 1 con số trong giai đoạn 2014-2015, cán cân thương mại tăng trường tốt…
Tuy nhiên ông Sumit Dutta khuyến nghị, bên cạnh việc thành lập cơ quan xử lý nợ xấu, NHNN cần lưu ý việc tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng, muốn vậy, phải tăng cường quản lý các công ty trong ngân hàng, tăng cường nhận thức vấn đề quản lý rủi ro bởi thực trạng này trong các ngân hàng của Việt Nam là phổ biến.
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Chính phủ không nên thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi có thể sẽ gây ra thêm những bất ổn kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. TS. Ánh cho rằng, NHNN không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15%, mà chỉ nên để ở mức khoảng 10% là hợp lý. Nếu mở rộng tăng trưởng tín dụng, hậu quả của nó có thể còn phức tạp hơn.
“Việc giảm lãi suất huy động thêm cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, do đó nên giữ ở mức lãi suất thực dương. Vấn đề quan trọng mà các cơ quan quản lý Nhà nước hay các ngân hàng có thể làm được là thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay”- chuyên gia Vũ Đình Ánh chia sẻ.
An Tư
hải quan
|