Cho vay mới khó tăng khi nợ cũ tồn đọng
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, để giải ngân được vốn trong điều kiện thị trường hiện nay, các DN có nợ cũ phải cải thiện được năng lực tài chính và kinh doanh.
Theo đó, phải thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xử lý các khoản nợ đọng, có phương án giải quyết lượng hàng tồn kho, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường hàng hóa...
Giữa tháng 10/2013, NHNN ban hành văn bản 7558/NHNN-TD, theo đó NHTM có thể cho vay mới đối với những DN còn nợ cũ để tháo gỡ bớt khó khăn cho thị trường. Nhưng thời gian ấn định áp dụng của quy định này chỉ có hai tháng rưỡi nên khó đạt được kỳ vọng.
Dự án khả thi hiện không dễ
Theo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, có tới 40% số DN qua khảo sát đang vướng mắc về nợ xấu tại các TCTD, đây là rào cản lớn nhất đối với DN trong việc tìm kiếm nguồn vốn khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT Eximbank (EIB) - Lê Hùng Dũng cho biết, hiện tại chưa giải ngân được hợp đồng nào mới đối với những DN có nợ xấu muốn vay mới. “Trường hợp Mekong Air muốn vay vài tỷ USD, nhưng sau khi chứng minh hiệu quả kinh doanh của dự án, thì Mekong Air phải chứng minh được khả năng trả nợ. Hợp đồng rất lớn, nếu giải ngân được thì tăng trưởng tín dụng Eximbank có thể tăng ngay, nhưng DN này vẫn không thể hiện được khả năng trả nợ để ngân hàng giải ngân, mặc dù hai bên đã có mối quan hệ tín dụng trước đó. Vấn đề không nằm ở DN còn nợ xấu, mà thực tế bên đi vay không sao chứng minh được mình có dòng tiền tốt trong tương lai thì ngân hàng không thể giải ngân” – chủ tịch Eximbank nói.
Lãnh đạo ngân hàng này cung cấp thêm, Ban lãnh đạo đang cố tìm những DN có dự án đầu ra sản phẩm trong tương lai khả quan để cho vay và đưa ra ví dụ về thực tế đã giải ngân dự án trị giá hàng tỷ USD của Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar, nhưng không tiết lộ số vốn cụ thể.
Ngân hàng sẵn sàng giải ngân cho các dự án khả thi về dòng tiền tương lai
|
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, họ vẫn chưa giải ngân được đồng vốn mới nào cho DN còn nợ cũ theo văn bản 7558 do vướng mắc nhiều thủ tục. “Dù dư luận cho rằng ngân hàng quá thận trọng, tuy nhiên, khoanh nợ cũ cho vay mới không thể qua loa, nếu qua loa cho vay mới, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh” – vị lãnh đạo này nói.
Trong thời gian hạn hẹp còn lại của năm 2013, các ngân hàng đang tập trung giải pháp để mở rộng tín dụng, nhưng hầu hết vẫn đặt hiệu quả của tăng trưởng dư nợ lên hàng đầu trong thời điểm khó khăn hiện nay. Hiện các ngân hàng rất thận trọng củng cố quan hệ tín dụng với DN và xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, để giải ngân được vốn trong điều kiện thị trường hiện nay, các DN có nợ cũ phải cải thiện được năng lực tài chính và kinh doanh. Theo đó, phải thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xử lý các khoản nợ đọng và phải có phương án giải quyết lượng hàng tồn kho, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường hàng hóa của mỗi DN.
Thế nhưng mọi điều đang rất khó vì thời hạn áp dụng của văn bản 7558 ngày càng rút ngắn, mà nhiều DN vẫn chưa thể tìm ra lối đi sáng sủa hơn trong phần thời gian còn lại của năm 2013.
Vỡ kế hoạch tung vốn cuối năm
Thừa nhận khó giải ngân đối với những khoản vay mới cho DN có dư nợ chưa trả được, dù rằng ngân hàng rất tích cực triển khai các biện pháp gỡ khó cho thị trường theo quy định của văn bản 7558. Thế nhưng rào cản nợ xấu trong những tháng gần đây có xu hướng tăng lên, do yếu tố thị trường không thuận, đang cản lối các ngân hàng thực thi các công cụ chính sách. Càng về cuối năm, các ngân hàng càng tung ra nhiều gói sản phẩm cho vay với lãi suất hấp dẫn, nhưng bản thân DN không thể vay được vì hàng tồn kho chưa vơi bớt được bao nhiêu so với đầu năm.
“Các DN không có phương án kinh doanh tốt nên cứ loay hoay trong hoạt động tìm giải pháp tự gỡ khó trong kinh doanh, trong khi ngân hàng thì ôm tiền tìm DN tốt. Không giải quyết được vấn đề cốt tử là nhu cầu suy giảm của thị trường, thì kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm tín dụng vẫn khó tăng” – một lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn vốn ngân hàng không thiếu. Trên địa bàn thành phố, kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng đưa ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 khoảng 4.000 – 4.500 tỷ đồng, với lãi suất tối đa 9%/năm. Ngoài 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên vay vốn lãi suất thấp, hiện các ngân hàng cũng tham gia cho vay cá nhân mua nhà. Nếu xét về cơ cấu cho vay, mọi lĩnh vực đều được hưởng lãi suất thấp bằng giai đoạn 2005-2006, thậm chí có ngân hàng hiện đã đưa ra mức lãi suất chỉ còn 6-7%/năm.
Không chỉ vậy, các ngân hàng còn triển khai những sản phẩm phái sinh làm cơ sở hạ thêm lãi suất cho vay từ 1-2%, như mua bảo hiểm tài sản khoản vay. Thực tế, đây chỉ là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng được thông báo trước khi tiến hành ký hợp đồng tín dụng. Thậm chí, các NHTM cũng tham gia trực tiếp vào quản trị DN để gỡ khó khăn, xử lý vấn đề nợ xấu, tiếp tục cơ cấu nợ cho DN…
Việc khó triển khai văn bản 7558 do DN không tìm ra phương án kinh doanh khả thi, mặc dù ngân hàng chấp nhận tài sản đảm bảo bằng dòng tiền, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sẽ dành hàng ngàn tỷ đồng để giúp DN có thể gia hạn các khoản nợ đến hạn, giảm lãi tiền vay hoặc chưa thu phần lãi quá hạn và ưu tiên chỉ thu nợ gốc. Nhưng, tất cả giải pháp từ phía các NHTM đưa ra đến nay không dễ thực hiện được do DN quá khó khăn, đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh cuối năm của ngân hàng và không phát huy được tác động hỗ trợ của những công cụ thị trường mà Nhà nước và ngành Ngân hàng đưa ra.
thời báo ngân hàng
|