Nợ đọng thuế khó xử lý vì DN... chết, mất tích
Từ tháng 6 tới nay, ngành thuế đã truy thu 180 tỷ đồng, chuyển 32 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an, khởi tố 17 vụ, bắt giữ 22 đối tượng. Dù vậy, tỷ lệ nợ đọng thuế cao vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Đây là số liệu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cung cấp khi tham gia báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề về tình hình thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách năm 2013, dự toán năm 2014 trong buổi thảo luận tại hội trường sáng nay (2/11).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2013 thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, hụt thu hơn 63 nghìn tỷ đồng nhưng cuối năm đã có bước chuyển biến. Nguyên nhân hụt thu là do dự toán cao so với khả năng; chính sách miễn giảm giãn thuế; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; quản lý thu chưa chặt chẽ nên gian lận, trốn nợ thuế.
Về chi, Chính phủ đề xuất tăng bội chi, thu cổ tức chưa trả SCIC để bù đắp chi.
Về nợ đọng thuế, cơ chế quản lý thu đang dần hoàn thiện nhưng còn điểm chưa chặt chẽ, công tác điều hành còn hạn chế nên dẫn đến gian lận, trốn nợ thuế. Ngành tài chính đã phối hợp các bộ ngành, địa phương đôn đốc thu hồi nợ đọng nhưng số nợ thực tế vẫn cao.
Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp không chấp hành nộp thuế, một số doanh nghiệp chết, mất tích, phá sản chưa làm đầy đủ các thủ tục quy định nên chưa có cơ sở xem xét nợ thuế. Công tác quản lý thu còn chưa chặt chẽ nên đối tượng cố tình chiếm dụng tiền thuế.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ nhận thức tình hình này và chỉ đạo ngành tài chính, địa phương thu hồi nợ đọng thuế. Thực tế cấp ủy các địa phương đã vào cuộc và đến nay có 63/63 địa phương có chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo công tác quản lý thu, chi.
Riêng ngành thuế 9 tháng đầu năm đã thanh tra, kiểm tra 43.600 doanh nghiệp, thu vào ngân sách 8.900 tỷ đồng, giảm lỗ 7.900 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra 1.220 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hoặc hoàn thuế 481 tỷ đồng giảm lỗ 1.690 tỷ đồng.
Đồng thời phối hợp với cơ quan công an điều tra, khởi tố đối với các nhân có hành vi vi phạm về thuế, từ năm 2007 – 2012, cung cấp hồ sơ tài liệu tiến hành điều tra xử lý 14.097 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế và đã xử lý hình sự 218 vụ. Trong thời gian tới, ngành thuế tiếp tục thực hiện các giải pháp khác.
Về nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và phương án xử lý, tỷ lệ chi hoàn thuế so với thu thuế giai đoạn 2006 – 2010 là 25%. Trong 2 – 3 năm gần dây, tỷ lệ tăng lên là 30%. Nguyên nhân là do chính sách giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra với một số mặt hàng, hàng tồn kho còn cao, người nộp thuế lợi dụng chính sách để thành lập doanh nghiệp, tự kê khai, in hóa đơn... để gian lận, chiếm đoạt hoàn thuế.
Để hạn chế đã nâng điều kiện hoàn thuế lên, rà soát phân loại các doanh nghiệp có rủi ro về thuế cao, đối chiếu chéo hóa đơn của doanh nghiệp, phối hợp các cơ quan công an điều tra khởi tố với cá nhân có hành vi gian lận về hoàn thuế.
Từ tháng 6 – 20/10/2013, đã thực hiện 85 cuộc thanh tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế tại Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Truy thu 180 tỷ đồng, chuyển 32 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an, khởi tố 17 vụ, bắt giữ 22 đối tượng. Trong đó có một số vụ lớn như Công ty TNHH Kiên Lập (Đồng Nai) buôn bán cafe nông sản, Công ty Hà Vô Phát, Công ty Trường Phát Lộc... có dấu hiệu buôn bán xuất khẩu trái phép hàng hóa.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Ước tính số hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013 là 90.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí NSNN 75.200 tỷ đồng, số còn lại 14.800 tỷ đồng còn thiếu Quỹ hoàn thuế của năm 2013 sẽ phấn đấu tăng thu để bù đắp.
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013. Về chi, dự toán chi đầu tư phát triển là 163.000 tỷ đồng, thấp hơn mức dự kiến bội chi (224.000 tỷ đồng). Về bội chi, Chính phủ đề nghị bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
Nhìn chung, 3 năm đầu trong kế hoạch 2011 – 2015, tổng thu NSNN ước đạt 52,2%, tổng chi NSNN ước đạt 51,8%. Tỷ trọng chi NSNN so với GDP giảm dần, từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, cho giáo dục, y tế, chi lương và an sinh xã hội…
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|