Doanh nghiệp “họ” Sông Đà "án ngữ" tốp đầu nợ thuế
Nhiều doanh nghiệp mang “họ” Sông Đà nằm ở “top” nợ thuế nhiều trong danh sách 76 doanh nghiệp nợ thuế vừa được Cục Thuế Hà Nội công bố… Với biện pháp cứng rắn, ngành Thuế cho biết sẽ chuyển danh sách sang cơ quan công an để đốc thúc những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng thuế.
Theo Cục Thuế Hà Nội, những doanh nghiệp có số nợ thuế cao nhất là Công ty Cổ phần Cavico cầu hầm với số tiền nợ là 68 tỷ đồng, Công ty Liên doanh xây dựng Hà Nội – Bắc Kinh nợ 33,9 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Công ty TNHH MTV nợ 105 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) là Công ty Cổ phần Cầu 12 và Công ty Cổ phần Cầu 14 cũng có số nợ thuế lần lượt là 81,6 tỷ và 22 tỷ đồng.
Khách hàng tụ tập phản đối chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long
tại dự án Usilk City
|
Trong danh sách 76 doanh nghiệp nợ thuế, đáng chú ý có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mang “họ” Sông Đà với con số nợ nần rất cao. Theo đó, chỉ riêng Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long (chủ đầu tư dự án Usilk-City với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng) được xác định số nợ thuế lên đến 282,9 tỷ đồng.
Danh sách nợ thuế của “họ” Sông Đà tiếp tục kéo dài với tên Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06, Công ty Cổ phần Sông Đà 2 và Công ty Cổ phần Sông Đà 207. Tổng số thuế mà cả ba doanh nghiệp này hiện đang nợ lên đến 71 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý, danh sách những doanh nghiệp chây ì, nợ đọng thuế với số tiền trên 10 tỷ đồng chiếm phần lớn trong bảng “liệt kê” của ngành Thuế Hà Nội, như Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng Viglacera (nợ 39 tỷ), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (nợ 29,3 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (nợ 39 tỷ đồng). Công ty Cổ phần Lắp máy và Điện nước xây dựng 1, Công ty Cổ phần Lắp máy và Điện nước xây dựng 2 cũng lần lượt “cõng” trên mình số nợ thuế 21,6 và 21,3 tỷ đồng.
Năm 2013, dự toán thu ngân sách của Cục Thuế Hà Nội là 149.805 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai “bù đắp” thu đủ phần thuế cho ngân sách mà ngành Thuế của thành phố được giao cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, trong 9 tháng đầu năm, TP.Hà Nội đã có 9.056 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Việc gần 10.000 doanh nghiệp bị “khai tử” được xác định làm giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù số doanh nghiệp “khai sinh” mới lên đến 12.658, nhưng đây là những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn đầu tư, thăm dò, tìm kiếm thị trường nên hầu hết chưa phát sinh doanh thu và thuế phải nộp.
Nợ thuế 1.800 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang công an
Cục Thuế Hà Nội cho biết, tổng số nợ khả năng thu về thuế, phí và các khoản liên quan tới đất tính đến thời điểm 31/08/2013 là 12.092 tỷ tăng 39,3% so 31/12/2013 (10.461 tỷ), trong đó nợ thuế, phí 6.896 tỷ, nợ liên quan đến đất 5.196 tỷ. Ngành Thuế Hà Nội cũng cho biết, 8 tháng đầu năm 2013 đã thu được 5.533 tỷ đồng.
Để “gặt hái” được thành công khi thu tiền từ các doanh nghiệp, Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2013 đã ban hành hơn 452.000 thông báo nợ và phạt chậm nộp, 24.659 lượt đơn vị cũng được gửi thông báo sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế, đồng thời ban hành 1.957 lượt quyết định cưỡng chế nợ với số tiền là 1.597 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thu được qua công tác cưỡng chế là 881 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội cho biết sẽ chuyển danh sách sang cơ quan công an để phối hợp đôn đốc thu nợ đối với 77 đơn vị chây ỳ, nợ đọng thuế với số nợ đến 31/8/2013 là 1.800 tỷ đồng.
Việt Hưng
pháp luật Việt Nam
|