Phó chủ nhiệm UBTCNS: Giám sát ngân sách “phần lớn là nghe báo cáo”
"Việc đi thực tế phần lớn là nghe đối tượng giám sát báo cáo, ít có điều kiện trực tiếp làm việc với các tổ chức, cá nhân chịu tác động của chính sách", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, TS. Bùi Đặng Dũng chia sẻ khi nói về những lý do khiến nội dung, phạm vi giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách Nhà nước còn hạn chế.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, TS. Bùi Đặng Dũng
|
Quốc hội là nơi giám sát đầu vào và đầu ra của ngân sách Nhà nước. Nhưng dường như trong nhiều năm qua, Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm này mà gần như vẫn dành quyền chủ động cho Chính phủ?
Tôi cho rằng đánh giá như thế có phần hơi nặng nề. Cả Hiến pháp hiện hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Quốc hội... đều khẳng định thẩm quyền giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ở các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân sách nói riêng; đồng thời quy định cách thức, trình tự, thủ tục và các hình thức giám sát cụ thể.
Như tại điều 15 Luật Ngân sách Nhà nước quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, trong đó khoản 7 quy định cụ thể thẩm quyền giám sát của Quốc hội: giám sát việc thực hiện ngân sách Nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác...
Trong những năm qua, hoạt động giám sát chung của Quốc hội, giám sát tài chính - ngân sách của các cơ quan của Quốc hội được đánh giá cao, đem lại hiệu ứng tích cực trong hoạt động ngân sách Nhà nước.
Ông có thể nêu ra một số ví dụ cụ thể về hiệu ứng tích cực trong hoạt động ngân sách Nhà nước khi có sự giám sát của Quốc hội?
Quốc hội đã thực hiện nhiều giám sát chuyên đề có chất lượng, hiệu quả. Trong giai đoạn 2003 - 2013, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (trước đây là Ủy ban Kinh tế và Ngân sách - PV) của Quốc hội đã tiến hành giám sát nhiều chuyên đề về ngân sách Nhà nước.
Hoạt động giám sát này đã có kết quả cao, phản ánh khá toàn diện, đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế. Đây là điều kiện bảo đảm cho việc quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước đúng luật và Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước, bảo đảm thực quyền của các cơ quan dân cử.
Trước các kỳ họp Quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều thực hiện các cuộc giám sát thường xuyên về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán ngân sách Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở kết quả giám sát, các số liệu, nhận định của ủy ban trong các báo cáo thẩm tra đã phản ánh đúng thực tế khách quan, nắm bắt khá đầy đủ và toàn diện các diễn biến về tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước của năm tài khóa. Từ đó, đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp, giúp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ để quyết định về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm.
Hoạt động giám sát trong lĩnh vực này còn bảo đảm công khai, minh bạch ngân sách nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát của các cơ quan chức năng. Công tác giám sát ngân sách Nhà nước được xem là chìa khóa, góp phần bảo đảm quản lý ngân sách Nhà nước lành mạnh, bền vững, hiệu quả; bảo đảm an ninh tài chính; cho phép cơ quan quản lý phát hiện, phòng ngừa những nguy cơ xảy ra đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô và nền tài chính quốc gia.
Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội than phiền rằng giám sát lĩnh vực này chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” nên ngân sách Nhà nước luôn là một điều gì đó nhiều bí hiểm, hay giống như là một ma trận?
Đúng là so với yêu cầu và mong muốn thì hoạt động giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách còn một số hạn chế.
Đối với việc tổ chức đoàn giám sát, có thể thấy phương thức giám sát chưa phù hợp. Giám sát hiện mới chủ yếu dựa vào báo cáo và ý kiến của cơ quan chịu giám sát (các bộ, ngành, địa phương). Việc đi thực tế phần lớn là nghe đối tượng giám sát báo cáo, ít có điều kiện trực tiếp làm việc với các tổ chức, cá nhân chịu tác động của chính sách.
Nội dung giám sát còn hạn chế, chưa đủ điều kiện để đi sâu, phát hiện và đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề thật cụ thể, bức xúc. Phạm vi giám sát còn hẹp, chưa bao quát toàn diện các lĩnh vực tài chính, ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và hoạt động tài chính của các cơ quan, đơn vị.
Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, chất lượng câu hỏi và trả lời về tài chính, ngân sách chưa cao. Số lượng chất vấn không nhiều, chủ yếu là tại kỳ họp Quốc hội. Một số bộ trưởng, trưởng ngành trả lời còn dài dòng, lảng tránh vấn đề...
Vậy nguyên nhân của thực trạng này, trước hết thuộc về Chính phủ hay Quốc hội?
Tôi cho rằng, trước hết do luật chưa quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ, các địa phương, cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.
Do đó, dẫn đến tình trạng các chủ thể chưa thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thực sự tích cực, hiệu quả. Nhiều quy định còn chung chung như trình tự, thủ tục, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, công tác điều hòa thực hiện giám sát...
Chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý các đối tượng vi phạm Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Chưa có quy định về chế độ cung cấp thông tin để giám sát hoạt động của Chính phủ...
Vì vậy, cần bổ sung quy định khẳng định vai trò, thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định ngân sách Nhà nước.
Đoàn Trần
vneconomy
|