Thứ Hai, 28/10/2013 15:52

Nghệ thuật lách thuế của bóng đá Việt Nam (Bài 1) :

Phía sau những bản hợp đồng tiền tỉ

Khi cầu thủ Chí Công và Đình Đức tung bản hợp đồng của mình ra nhằm kiện CLB B.Bình Dương thì nhiều người ngã ngửa, bởi con số 9 tỉ đồng là quá lớn. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là trong phi vụ chuyển nhượng tiền tỉ này, nhà nước đã không thu được một đồng tiền thuế nào. Mỗi năm các giao dịch chuyển nhượng ở V.League lên tới hàng trăm tỉ, đồng nghĩa với việc hàng chục tỉ đồng tiền thuế không được thu hồi.

Lót tay để lách thuế?

Trong hợp đồng giữa B.Bình Dương và Trần Chí Công có hai nội dung chính. Thứ nhất, B.Bình Dương sẽ trả 9 tỉ đồng cho Chí Công theo 4 đợt. Thứ hai, mức lương Trần Chí Công nhận được ở B.Bình Dương là 40 triệu đồng/tháng, nếu thi đấu tốt sẽ xét tăng lương, nhưng không quá 30%. Hiện, B.Bình Dương đã trả Chí Công 7 tỉ và các khoản lương từ cuối năm 2011 đến cuối 2013.

Điều kỳ lạ là trong bản hợp đồng này không hề quy định về việc vấn đề thuế thu nhập không thường xuyên và thuế thu nhập cá nhân.

Hiện chưa có quy định thuế GTGT với hoạt động chuyển nhượng cầu thủ nên tạm thời chưa thu thuế với hoạt động này. Trong khi đó, với các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập bất thường thông qua lương và chuyển nhượng thì cả lãnh đạo các CLB lẫn VFF đều trả lời không biết. Tại cuộc họp đầu năm 2013, đại diện nhiều đội bóng đã phải hỏi ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Vụ trưởng, phó ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) rằng: “Liệu các khoản chuyển nhượng và các khoản thưởng sau trận đấu có tính thuế hay không?”, ông Sơn đã khẳng định là có.

Thế nhưng cho đến giờ này, Tổng cục Thuế vẫn chưa thể “thò tay” vào các hoạt động bóng đá để yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Đơn cử như trường hợp Chí Công với khoản tiền “lót tay” - thực chất là phí chuyển nhượng tự do - lên tới 9 tỉ đồng (Công đã nhận 7 tỉ đồng), thì cầu thủ này lẽ ra phải đóng một khoản thuế thu nhập bất thường không hề nhỏ, khoảng 700 triệu đồng.

Nhưng tất cả đều qua mặt được cơ quan thuế, lý do: Những khoản tiền này đều là những “thỏa thuận” ngầm giữa cầu thủ và CLB, đôi khi chỉ ông chủ và cầu thủ biết và mọi chuyện chỉ “bung bét” khi có kiện tụng.

Một lãnh đội ở V.League (giấu tên) thừa nhận: “Tiền chuyển nhượng thì chẳng ông nhà nước nào biết, làm sao mà đánh thuế được, bởi nếu có giao kèo thì chẳng CLB nào đưa hợp đồng ra, còn cầu thủ càng không”.

Vạch áo cho người xem lưng

Đầu năm 2013, cầu thủ Huỳnh Kesley kiện CLB XMXT Sài Gòn quỵt tiền công của mình tới 29.000USD và 76,9 triệu đồng. Lập tức, CLB “tố ngược” rằng Kesley vẫn nợ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập không thường xuyên (khoản lót tay 800.000USD, gần 17 tỉ đồng) lên tới... 5 tỉ đồng.

Vụ việc căng thẳng tới mức hai bên định lôi nhau ra tòa, giới bóng đá hồi hộp chờ “bom nổ” vì nó sẽ vỡ ra những chiêu trò lách thuế, trốn thuế trong bóng đá. Thế nhưng, vụ việc bỗng dưng “xẹp lép” khi VFF “phán quyết” yêu cầu XMXT.Sài Gòn phải trả gần 700 triệu đồng cho Kesley (29.000USD và 76,9 triệu đồng).

Càng bất ngờ hơn khi XMXT Sài Gòn và Kesley ngồi lại thỏa thuận, phía CLB chỉ phải trả có 20.000 USD. Dư luận cho rằng cả hai bên không làm căng nữa, bởi nếu ra tòa, nhiều hợp đồng khác của CLB sẽ bị cơ quan thuế sờ gáy...

Tranh cãi trong chuyện của Kesley và có thể là Chí Công tới đây sẽ là không bên nào coi việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước là việc của mình. Điều này đồng nghĩa, nhà nước thất thu những khoản tiền không nhỏ.

Một ông bầu ở V.League khẳng định, một khi V.League còn những giao dịch ngầm, còn hiện tượng “đi đêm” và còn những cú chuyển nhượng bằng những “bao tải tiền mặt” thì rất khó cho cơ quan thuế vào cuộc.

Rõ ràng điều này là không công bằng khi Luật Thuế quy định những người có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng đã phải nộp thuế thì giới cầu thủ thu nhập hàng tỉ mỗi năm lại không phải chịu nghĩa vụ thuế. Đã đến lúc phải siết lại thay vì thả nổi và thả lỏng như hiện nay.

Hiện theo hướng dẫn của VFF, các CLB sẽ không trả thay cầu thủ khoản thu nhập cá nhân căn cứ theo lương tháng nữa mà để tự cầu thủ hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, VFF vẫn không có biện pháp nào khuyến cáo các cầu thủ và CLB phải thực hiện nghĩa vụ thuế trong các hợp đồng chuyển nhượng.

Hoàng Lâm

lao động

Các tin tức khác

>   Sắp xử vụ bầu Kiên, Dương Chí Dũng (28/10/2013)

>   Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ thu tiền tỉ - Kỳ 3: Vì sao Ngân hàng CSXH dễ dãi trả hàng tỉ đồng cho ‘cậu Thủy’? (28/10/2013)

>   “Lời hứa” của Bộ Công Thương được thực hiện thế nào? (28/10/2013)

>   Viettel - "Phên giậu mềm" của Quốc gia (28/10/2013)

>   Thủ tướng Đức bị Mỹ nghe lén hơn 10 năm nay! (27/10/2013)

>   Vụ "Nhân bản kết quả xét nghiệm": Kiếm chác 30% phí BHYT (27/10/2013)

>   Cháy lớn tại nhà máy Diana, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng (26/10/2013)

>   Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn (26/10/2013)

>   Những tính toán chính sách sai lầm trả giá đắt (25/10/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về tiêu cực trong ngành? (25/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật