Thứ Năm, 24/10/2013 16:27

TPP và những kỳ vọng tháng 10

Những ngày đầu tháng 10-2013, thế giới dường như đều hướng về đảo Bali của Indonesia - nơi diễn ra Hội nghị APEC 2013, nơi các thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến công bố những kết quả đàm phán cụ thể của hiệp định đình đám này.

Rồi APEC cũng qua, lãnh đạo cấp cao các nước TPP cũng đã ra Tuyên bố chung về TPP. Dù vậy, những lời lẽ quá thận trọng, những câu từ không có gì mới cho thấy dường như mục tiêu hoàn thành “về cơ bản” đàm phán TPP nhân dịp APEC đã không đạt được.

Sau APEC, các phiên đàm phán TPP vẫn đang tiếp tục diễn ra và vẫn còn đó nhiều bất đồng, nhiều tranh cãi ở nhiều điểm, nhiều vấn đề...

Kết quả đã không như trông đợi

Với những người theo dõi sát sao TPP, tháng 10 này chứa đựng nhiều trông đợi.

Trông đợi bởi ngay từ đầu năm, các nước TPP, mà đặc biệt là Mỹ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng “kết thúc đàm phán TPP trước thềm hội nghị APEC 2013” - mặc dù sau đó, mục tiêu này đã được đổi thành “kết thúc cơ bản về mặt kỹ thuật”.

Và lại trông đợi, bởi qua 19 vòng đàm phán, TPP vẫn còn ngổn ngang những nút thắt không thể thương lượng mà chỉ những cam kết có tính chính trị ở cấp lãnh đạo cao nhất như APEC mới may ra giải quyết được.

Vì thế, tháng 10 và APEC 2013 dường như là một cột mốc, để người lạc quan trông đợi về một bước ngoặt có tính quyết định cho đàm phán TPP, và để người ít lạc quan kiểm chứng những tín hiệu thực sự cho việc hoàn tất hiệp định này.

Những nhịp lỗi của APEC

APEC 2013 diễn ra vào những ngày đầu tháng 10, theo đúng lịch trình đã định. Chỉ có điều, một vài sự kiện không diễn ra như dự kiến, một vài nhịp bị lỗi khiến APEC 2013 không thể trở thành dấu ấn cho TPP, như người ta kỳ vọng.

Đầu tiên, Tổng thống Barack Obama không thể tham dự APEC do việc đóng cửa chính phủ. Tất nhiên, cuộc họp lãnh đạo TPP vẫn diễn ra, nhưng câu chuyện đã khác đi nhiều.

Kéo theo, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo TPP đưa ra sau cuộc họp chỉ gồm những lạc quan chung chung, rằng “đã đạt được những tiến triển đáng kể trong những tháng vừa qua, ở tất cả các nội dung…”. Không có tín hiệu nào về “kết thúc về cơ bản TPP” được đưa ra, ngoài những khẩu hiệu quyết tâm không mới.

Cuối cùng, thậm chí một lịch trình cho các cuộc gặp hay vòng đàm phán tiếp theo của TPP cũng không được định hình.

Và hiện trạng TPP

Dù không có thông tin chính thức nào về kết quả đàm phán TPP tới hiện tại, nhiều nguồn tin đều chung một nhận định rằng TPP đã hoàn thành cơ bản đàm phán ở 6/29 chương. Trước đó, hồi tháng 6-2013, Chính phủ Malaysia cho biết có 14-29 chương của TPP đã “cơ bản được khép lại đàm phán về các vấn đề kỹ thuật và ít tranh cãi”.

Sau cuộc gặp tháng 10, đồng loạt nhiều quan chức thừa nhận những nút thắt phức tạp nhất trong TPP bao gồm sở hữu trí tuệ, môi trường, doanh nghiệp nhà nước và tiếp cận thị trường.

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là lĩnh vực được nhận định là sẽ chỉ đạt được thống nhất vào phút cuối của đàm phán TPP. Đề xuất tăng cường bảo hộ quyền SHTT đối với dược phẩm của Mỹ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều nước vốn lo ngại tình trạng giá thuốc quá cao, vượt sức chịu đựng của người bệnh. Làn sóng phản đối dữ dội tới mức Mỹ buộc phải rút lại đề xuất để về lấy ý kiến trong nội bộ.

Cho đến phiên họp giữa kỳ 10 ngày về SHTT tại Mexico hồi cuối tháng 9, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra được đề xuất mới nào về SHTT dược phẩm. Thay vào đó, các nước quay ra thảo luận về một đề xuất mới của một nhóm năm nước TPP. Nghe nói sau cuộc họp, danh sách các vấn đề còn tồn đọng được các nhà đàm phán SHTT thảo ra dài tới vài trang giấy.

Đối với lĩnh vực môi trường, các nhà đàm phán cũng có phiên họp giữa kỳ vào tháng 9 tại Washington nhằm cố gắng thu hẹp danh sách các vấn đề bất đồng mà theo một số nguồn tin dài tới gần 300 điểm. Nghe phong thanh thì vướng mắc lớn nhất không phải là vấn đề thực thi các nghĩa vụ mà là ở các điều khoản về mức độ cam kết áp dụng các tiêu chuẩn trong các hiệp định đa phương về môi trường.

Đàm phán về mở cửa thị trường hàng hóa (mà thực chất là lịch trình loại bỏ thuế quan) có lẽ là lĩnh vực có điểm mới đáng kể nhất sau APEC 2013 (dù rằng về chi tiết không có tiến triển gì nổi bật). Cụ thể, theo báo cáo của các bộ trưởng thương mại TPP họp trước thềm APEC, các nước đã thống nhất sẽ xây dựng một biểu thuế quan duy nhất và các quy tắc xuất xứ chung trong TPP (trong khi trước đó, các nước chia rẽ sâu sắc về việc mỗi nước sẽ áp dụng biểu thuế quan chung với tất cả các đối tác còn lại trong TPP hay áp dụng các biểu thuế quan riêng với từng đối tác).

Đặc biệt, liên quan tới Việt Nam, sau cuộc họp các bộ trưởng thương mại các nước TPP, dường như đã có một sự nhượng bộ của các nước về những linh hoạt nhất định trong lộ trình thực hiện các cam kết TPP đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đây có thể coi như một điểm mới đặc biệt tích cực cho chúng ta khi mà trước đó các nước tỏ ra rất cứng rắn trước yêu cầu về ngoại lệ, linh hoạt trong TPP.

Trang Nguyễn

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Bức tranh kinh tế dưới góc nhìn ngân sách (24/10/2013)

>   Lạm phát đang giảm tốc nhanh (24/10/2013)

>   Nếu đóng cửa, Việt Nam không thể tiến bộ (24/10/2013)

>   Kinh tế vĩ mô năm 2014: Dự báo lạc quan (23/10/2013)

>   Còn nhiều điểm “nghẽn” về thủ tục hành chính (23/10/2013)

>   “Túi tiền” quốc gia: Hụt thu và... bội chi (23/10/2013)

>   TP.HCM: CPI tháng 10 tăng 0,17% (23/10/2013)

>   PGS-TS Trần Đình Thiên: Ai cho Việt Nam vay? (23/10/2013)

>   Nâng trần bội chi phải đi kèm 2 điều kiện (23/10/2013)

>   CPI tháng 10 tại Hà Nội duy trì mức tăng 0,57% (22/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật