Nâng trần bội chi phải đi kèm 2 điều kiện
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Tôi đã từng đề nghị nâng trần bội chi lên từ kỳ họp hồi tháng 5/2013. Bởi trong bối cảnh tổng cầu giảm quá mạnh, tín dụng không tăng được thì chúng ta phải dùng công cụ ngân sách để giải quyết một số công trình cấp thiết của nhà nước đang dang dở, đồng thời kích thích tăng tổng cầu.
Nhiều đại biểu Quốc hội có quan điểm đồng ý việc nâng trần bội chi lên mức 5,3% GDP, song băn khoăn vẫn là chi tiêu thế nào cho hiệu quả?
Tôi đồng ý nâng trần bội chi, nhưng với hai điều kiện. Thứ nhất, phải kiểm soát chặt chẽ phần chi này, trong đó ưu tiên một số công trình mà Chính phủ đã nêu như mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thiện Quốc lộ 14 đang xuống cấp quá nghiêm trọng. Thứ hai, nếu từ năm 2015 khi khi nền kinh tế hấp thụ được tín dụng và có thể huy động được nhiều nguồn lực khác thì phải giảm bội chi xuống.
Bên cạnh đó, tôi đề nghị phải rà lại toàn bộ nguồn lực nhà nước đang có để cân đối, sử dụng hiệu quả. Ví dụ, tôi từng đề nghị thoái vốn Nhà nước tại một số DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ, nhưng lại đang rất có giá trên thị trường. Làm như vậy, chúng ta sẽ có hàng trăm ngàn tỷ để bổ sung vốn ngân sách.
Theo ông, cần phải làm gì để xử lý tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản?
Hiện chúng ta đang hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Chẳng hạn, như Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu và một số cơ chế chính sách khác đang được hoàn thiện để cải thiện căn bản vấn đề này. Theo đó, ngay từ khâu thiết kế, đến thi công, giám sát đều phải xem xét lại hết. Nếu làm tốt, chúng ta tiết giảm đầu tư rất lớn.
Vậy còn vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên thì sao, thưa ông?
Tôi đã nhiều lần đề nghị là phải cắt tối đa chi thường xuyên, kể cả chi phí tiếp khách, chi phí đi lại, chi phí đi nước ngoài cần phải giảm tối đa. Dĩ nhiên, có người cho rằng chi thường xuyên chủ yếu cho tiền lương, nhưng không nhỏ những chi phí khác.
Chẳng hạn hiện nay, vấn đề xử dụng ô tô, xây dựng trụ sở đang xếp vào chi cho đầu tư. Theo tôi, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi, xếp xây dựng trụ sở cơ quan, mua xe là chi tiêu dùng. Vì là chi cho đầu tư nên chúng ta hay vung tiền quá trán. Nếu xếp vào chi tiêu dùng, khi kinh tế khó khăn thì phải “thắt lưng buộc bụng” cái này lại.
Xin cảm ơn ông!
Quang Cảnh (ghi)
Thời báo ngân hàng
|