Nếu đóng cửa, Việt Nam không thể tiến bộ
"Phải khôn ngoan tận dụng các cơ hội mà hội nhập đem lại. Trên thế giới từ trước đến nay chẳng nước nào đóng cửa mà tiến bộ, phát triển và thịnh vượng được cả!" - Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, nguyên phó khoa quan hệ quốc tế ĐH Ngoại thương.
Việt Nam hiện tham gia 8 hiệp định khu vực và quốc tế, từ BTA, WTO, APEC, ASEM đến ACFTA, ASEAN+, RCEP, FTA, và sắp tới là PTT. Đây đều là những sân chơi lớn với nhiều luật lệ, trình độ nổi trội hơn ta rất nhiều.
Có thể thấy, những đòi hỏi rất cao và khác biệt sẽ ồ ạt đến vào năm 2015. Trong khi hiện tại ngổn ngang vô vàn khó khăn, còn các thay đổi lại quá chậm. Vậy DN Việt Nam hiện nay đang "đứng trước biển" - những cơ hội lớn, hay ngược lại, phía trước là "cửa tử"?
Trong vòng vây bủa khó khăn
Kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tại TP.HCM cho thấy, có 14 loại khó khăn đang bủa vây DN như: khó tiếp cận vốn tín dụng, lạm phát, thiếu lao động được đào tạo, bất ổn về chính sách, thuế, tham nhũng, bộ máy chính phủ không hiệu quả, v.v...
Một thách thức lớn, hết sức bất lợi cho DN là kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn. Tương lai trước mắt chưa rõ cùng nhiều vướng mắc, bất cập khó giải quyết. Thể chế hiện tại kém minh bạch khiến cho tính tiên liệu, nhất quán cũng hạn chế.
Công cuộc đổi mới thể chế, chiến lược và các chính sách phát triển đã có nhưng không rõ ràng, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Rất nhiều trở ngại và sai lệch trong hệ thống. Tình trạng "thân hữu" và phân biệt đối xử với khu vực tư nhân rất phổ biến.
Về chất lượng lao động Việt Nam, vốn đã có rất nhiều than phiền, nhưng ít ai ngờ kém tới mức... không thể kém hơn nữa.
Mặc dù năng suất lao động quy đổi ra tiền của VN có tiến bộ, từ 842 USD/người năm 2000 lên 2.400 USD/người năm 2011. Tuy nhiên, so với các nước, ngay cả trong khu vực, thì vẫn rất kém: bằng 1/10 Indonesia, 1/20 Thái Lan và... 1/135 Nhật Bản. Tính ra, lao động Việt Nam đang thuộc top 10% kém nhất thế giới.
TS. Phạm Chi Lan đã thẳng thắn chỉ ra những mặt rất hạn chế của doanh nghiệp VN: "Yếu về các nguồn lực cần thiết như con người, tài chính, tổ chức và kỹ năng kinh doanh quốc tế; các dịch vụ kinh doanh, thông tin nghiên cứu và dự báo. Mặt khác, tính liên kết đang rất kém, cả liên kết nội bộ và liên kết với đối tác".
Đáng báo động hơn, kết quả khảo sát chỉ ra, năng lực cạnh tranh của DN Việt đang rất thấp. Tư duy và năng lực chủ động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế chưa cao, nên thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh. DN hiểu rất ít và không sâu về những cam kết hội nhập quốc tế của VN và các đối tác, đối thủ, thị trường...
Về mặt công nghệ, mới đây cuộc khảo sát trên 100 DN ở TP.HCM và Hà Nội cho thấy: Đa số đang sử dụng công nghệ của những năm 80 thế kỷ trước! 69% phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu, 19% lệ thuộc vào bí quyết công nghệ. Số cán bộ kỹ thuật có chuyên môn chỉ đạt... 7%! Trong khi đó, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị - công nghệ của DN chỉ chiếm...3% doanh thu!
Cũng theo khảo sát này, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ và thiết bị của VN rất thấp, dưới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Vòng vây trùng điệp những khó khăn, yếu kém, từ cả khách quan và chủ quan, đã gia tăng cường độ sàng lọc mạnh mẽ. Nhiều DN đã bị chết, bị thâu tóm và bị đẩy lùi trên nhiều lĩnh vực.
Trong nguy có cơ?
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều chung nhận định, hội nhập là xu thế chung của thời đại, bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay của DN, có không ít quan ngại chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trong các cuộc chơi lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, nguyên phó khoa quan hệ quốc tế ĐH Ngoại thương, thẳng thắn: "Giờ không thể phân vân là nên hội nhập hay không nữa. Vấn đề là hội nhập như thế nào để cùng tiến bước, rút ngắn khoảng cách với các cường quốc, phát triển đất nước".
"Tức là phải khôn ngoan tận dụng các cơ hội mà hội nhập đem lại. Trên thế giới từ trước đến nay chẳng nước nào đóng cửa mà tiến bộ, phát triển và thịnh vượng được cả!", TS Dung giải thích.
Những cơ hội đó là gì? Tiến sĩ Phạm Chi Lan chỉ rõ: "Sẽ có thay đổi mang lại thuận lợi cho DN. Chẳng hạn, Nhà nước sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế có thể giúp cải thiện dần môi trường và nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng sẽ phải thay đổi giúp phân bổ lại nguồn lực và chính sách phải khuyến khích công bằng và hiệu quả hơn".
Thêm vào đó, "Môi trường hội nhập sẽ tạo ra cơ hội thương mại và đầu tư nhiều mặt. Các DN thấy rõ những yêu cầu và thách thức cho phát triển dài hạn. Đội ngũ nhân lực trẻ được đào tạo tốt hơn...".
Về chủ quan ở phía DN, tiến sĩ Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu ra "bài học muôn thuở ít được chú ý và học hỏi" mà các DN cần phải kịp thời chấn chỉnh. Đó là cần nhận dạng bản thân gồm năng lực cốt lõi, mô hình KD, thị trường và người tiêu dùng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh v.v... Mặt khác, cần định vị và lựa chọn cách đi phù hợp, v.v...
Bộ trưởng Bộ KH&CN, tiến sĩ Nguyễn Quân nhận định: "Có thể nói thẳng rằng, đổi mới sáng tạo hoặc là phá sản, DN chúng ta không vượt qua được thác thức này thì phải đối diện với cửa tử."
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội HVNCLC cho biết: "Sức ép của hội nhập đã tỏa hơi nóng sau lưng chúng ta rất quyết liệt... Giờ đây trước cơ hội và thách thức, chúng ta phải tìm ra lối đi để không những tồn tại, mà còn phải phát triển".
"Vấn đề sống còn hiện nay của DN là cạnh tranh. Đổi mới công nghệ suy cho cùng là quay về nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Công nghệ sẽ tác động đến chất lượng sử dụng và giá thành sản phẩm, là hai thành tố tương tác lẫn nhau", bà Vũ Kim Hạnh giải thích rõ.
Cũng theo bà Kim Hạnh, các nước trong cộng đồng Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC - sẽ thành lập năm 2015) đang sôi sục chuẩn bị nền tảng, trong khi VN vẫn rất mù mờ. Cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong giáo dục.
Việc di chuyển người lao động giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn. Theo quy luật thị trường, lao động nước nào có chất lượng cao hơn với chi phí rẻ hơn sẽ được ưu tiên sử dụng. Ví dụ, người lao động Philippines trước đây thường "chào" mức lương 500-1.000 USD, nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 300 USD và có chất lượng lao động tốt hơn nguồn "Ô sin" từ các vùng nông thôn Việt Nam.
Đáng lo ngại là, giới DN Việt Nam đã thấy và bị trả giá bởi sự cạnh tranh nhưng không biết xử lý cách nào. Bà Hạnh nhấn mạnh: " Đây là điểm yếu chết người của chúng ta... Cách cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay không sòng phẳng, chủ yếu bằng "quan hệ", bằng thế lực mà không phải bằng năng lực quản trị và công nghệ! Những điều này không thể nào bền vững trong những sân chơi lớn, khi sự công bằng, minh bạch là điều kiện đầu tiên".
Duy Chiến
tuanvietnam
|