Chủ Nhật, 06/10/2013 15:05

Cảnh báo rủi ro trong thẩm định bảo hiểm liên kết

Dư âm vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương đã lắng xuống, nhưng trong ngành bảo hiểm lại “nổi lên” câu chuyện về bảo hiểm những rủi ro liên quan tới cháy nổ.

TTTM Hải Dương chưa đạt đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy

Như thông tin đã đưa, 52 hộ buôn bán tại TTTM Hải Dương đã được Bảo hiểm Bảo Long bảo hiểm toàn bộ phần tiền nợ vay tại Ngân hàng Sacombank. Tức là dù khoản vay thấp nhất là 12,7 triệu đồng đến lớn nhất là 218 triệu đồng đều được Bảo hiểm Bảo Long thanh toán toàn bộ tiền nợ vay cho ngân hàng của khách hàng. Sacombank sẽ miễn lãi phát sinh sau thời gian hỏa hoạn cho các khách hàng. Các tiểu thương chợ không phải lo trả nợ ngân hàng, chỉ tập trung khôi phục kinh doanh.

Xét về nghiệp vụ bảo hiểm thì việc bồi thường như trên không có gì đặc biệt, đây là một loại hình của bảo hiểm trách nhiệm. Khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện thay toàn bộ nghĩa vụ của người mua bảo hiểm.

Nhưng trong câu chuyện này, có một khía cạnh khác đang được các doanh nghiệp bảo hiểm rất quan tâm, đó là căn cứ nào để doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm cho rủi ro cháy nổ? Bởi đơn giản, TTTM Hải Dương chưa đạt đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Trên thực tế cũng không có doanh nghiệp bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cháy nổ cho các hộ kinh doanh ở đây.

Theo một chuyên gia trong ngành, nguyên tắc khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm gắn với rủi ro cháy nổ dù bất kỳ loại hình nào từ bảo hiểm tài sản tới bảo hiểm trách nhiệm, bán trực tiếp hay bán thông qua kênh liên kết thì nhà bảo hiểm phải thẩm định hồ sơ của bên mua bảo hiểm về hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, trong vụ cháy TTTM Hải Dương, sản phẩm bảo hiểm cháy nổ liên kết giữa Bảo Long và Sacombank tặng kèm khoản vay cho khách hàng không hề được nhà bảo hiểm thẩm định hồ sơ an toàn cháy nổ.

Có lẽ vì lý do này nên khi trao đổi với ĐTCK, ông Lưu Thanh Tâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Long chỉ cho biết nguyên tắc xử lý vấn đề, mà không đi vào chi tiết: “Việc rà soát, quản lý rủi ro vẫn là hoạt động mang tính thường xuyên tại Bảo Long. Sau mỗi sự kiện bảo hiểm, Công ty cũng sẽ rà soát lại xem hệ thống quản trị rủi ro có lỏng ở điểm nào không để kịp thời điều chỉnh”.

Bình luận về câu chuyện này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra e ngại về sự mạo hiểm của Bảo Long khi cung cấp sản phẩm theo kiểu trên. Đặc biệt, điều này càng rủi ro hơn trong bối cảnh công tác phòng cháy chữa cháy của các chợ, TTTM còn nhiều vấn đề đáng bàn và liên tiếp thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy chợ, TTTM trên phạm vi cả nước.

“Chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm chịu sức ép rất lớn về doanh số, nên việc bán mà thiếu thẩm định kỹ rủi ro là điều thường xuyên xảy ra với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.

“Vấn đề là khâu kiểm soát sự tuân thủ và giám sát bán hàng phải tốt, nếu không doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó tránh nổi thiệt hại”

Trên thực tế, theo tìm hiểu của ĐTCK, khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã hạn chế việc bán các sản phẩm gắn liền với rủi ro cháy nổ tương tự như trong vụ cháy TTTM Hải Dương. Thậm chí, giám đốc maketting của một doanh nghiệp bảo hiểm lớn còn cho biết, đây là lần đầu tiên nghe nói đến sản phẩm kiểu như trên, bởi trên thực tế, khó có thể xác định mức trách nhiệm bồi thường chỉ dựa trên số dư nợ, trừ khi có sự chia sẻ bên trong giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm. Một DN bảo hiểm khác cho rằng, nếu bán bảo hiểm cháy nổ theo kiểu “bia kèm lạc” thế này, họ sẽ phải đưa ra điều kiện rất chặt chẽ.

“Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng, ngoại trừ những nghiệp vụ đơn giản như bảo hiểm xe máy, con người, ngân hàng sẽ đơn phương tiếp nhận hợp đồng. Còn với các sản phẩm phức tạp như bảo hiểm tài sản, cháy nổ, nhà bảo hiểm cần phải tham gia sâu, bên ngân hàng chỉ là một đầu mối”, một chuyên gia trong ngành nói.

Sau sự kiện bảo hiểm nêu trên, vấn đề kẽ hở trong thẩm định hồ sơ khách hàng khi cung cấp bảo hiểm liên kết (sản phẩm bảo hiểm còn khá mới ở Việt Nam nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn), được đặt ra với các doanh nghiệp trong ngành. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Hy vọng, khi khung pháp lý về sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng ra đời, những kẽ hở này sẽ được khắc phục.

Kim Lan

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chưa rõ bản chất của bảo hiểm hưu trí (04/10/2013)

>   Bảo hiểm nhân thọ “rốt ráo” triển khai bảo hiểm hưu trí (03/10/2013)

>   Chưa dễ ngăn doanh nghiệp lách luật giảm chi phí bảo hiểm (21/09/2013)

>   Cách nào “răn đe“ hiệu quả doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm? (20/09/2013)

>   TPHCM: Hơn 100 công nhân khiếu nại nợ lương, BHXH (13/09/2013)

>   Gian nan thu hồi nợ bảo hiểm xã hội (11/09/2013)

>   Vốn 1.000 tỷ đồng mới được kinh doanh bảo hiểm hưu trí (10/09/2013)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang “sa lầy” (06/09/2013)

>   Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung: Cần lộ trình phù hợp (05/09/2013)

>   Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó! (01/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật