Thứ Năm, 05/09/2013 21:30

Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung: Cần lộ trình phù hợp

Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng và đây là thời điểm thuận lợi để thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung, vì sau đó dân số già hóa rất nhanh.

Hình thức bảo hiểm này sẽ giảm áp lực cho chi tiêu của ngân sách quốc gia từ việc điều chỉnh tăng lương hưu hằng năm.

Dự kiến năm 2014 sẽ thực hiện thí điểm quỹ hưu trí bổ sung đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp và sau đó sẽ từng bước áp dụng bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trên cả nước. Dù thấy rõ lợi ích của xu hướng mới này, nhưng việc triển khai vẫn khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.

Lợi ích của hưu trí đa tầng

Hiện Việt Nam đang có khoảng 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Việc tăng lương hưu cùng mức với tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất lớn cho ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính áp lực này đã khiến cho quá trình cải cách tiền lương để tăng đời sống cho người lao động gặp nhiều khó khăn.

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), Việt Nam mới chỉ có tầng bảo hiểm thứ nhất (hưu trí cơ bản bắt buộc), chưa có bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện. Bảo hiểm ở nguồn tiết kiệm hưu trí cá nhân cũng chỉ mới được một số công ty bảo hiểm triển khai, nhưng chưa đồng bộ.

Vì vậy, việc đề xuất thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là một trong những cách để doanh nghiệp giữ chân người giỏi thông qua chế độ đãi ngộ. Chính sách này dựa trên cơ sở tự nguyện sẽ tạo cơ hội cho người lao động và chủ doanh nghiệp có thể tự quyết việc đóng góp nếu thấy phù hợp.

Trên thực tế, xuất phát từ nhu cầu của người lao động và mong muốn ổn định bộ máy, thu hút được nhân sự chất lượng cao, một số doanh nghiệp đã hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam… thực hiện đối với hàng nghìn lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân khẳng định, việc áp dụng quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là cần thiết. Bởi lẽ, những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc độc hại nên khi nghỉ hưu, nhiều người sức khỏe suy giảm, hay ốm đau, bệnh tật. Nếu chỉ có chế độ hưu trí cơ bản hiện nay, với mức lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng sẽ khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Trên thế giới đã có gần 100 quốc gia triển khai mô hình quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, hay còn gọi là “quỹ tiết kiệm hưu trí”. Hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng, linh hoạt sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là người lao động trong các trường hợp rủi ro kinh tế và rủi ro xã hội khác.

Cần lộ trình phù hợp

Có thể thấy, xu hướng hưu trí đa tầng sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động, nhưng việc triển khai gần như cùng lúc hai loại hình bảo hiểm hưu trí khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp hiện đã phải đóng nhiều loại bảo hiểm cho người lao động, vấn đề quan trọng là việc điều hành, vận hành, quản lý các loại quỹ bảo hiểm bắt buộc cần linh hoạt hơn, tránh các thủ tục nhiêu khê, rườm rà.

Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của mỗi loại hình bảo hiểm phụ thuộc lớn vào các chính sách khuyến khích, bao gồm chính sách thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc trích đóng quỹ trước hay sau thuế cũng là vấn đề được quan tâm. Nếu đóng sau thuế thì khả năng doanh nghiệp đồng tình rất thấp, bởi đó là phần lợi nhuận của họ. Nhưng nếu đóng trước thuế thì ngân sách Nhà nước sẽ phải gánh chi phí.

Lý giải những băn khoăn này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, triển khai quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng là cách để doanh nghiệp tăng thu nhập cho người lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Trong trường hợp người lao động không muốn tiếp tục tham gia, hoặc qua đời trước thời gian được hưởng sẽ được tính toán chi trả lại khoản đã đóng góp.

Sau khi hình thành khung pháp lý, được Chính phủ phê duyệt, đề án sẽ triển khai thí điểm đối với một số doanh nghiệp ngay từ năm 2014. Từ 2015-2020 tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung.

Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc.

Để có cơ sở triển khai quỹ hưu trí bổ sung, từ tháng 6/2011 Bộ LĐTBXH đã tổ chức một cuộc khảo sát tại hơn 600 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM. Kết quả cho thấy có đến hơn 70% doanh nghiệp sẵn sàng tham gia quỹ.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung khác với hưu trí cơ bản ở chỗ, bảo hiểm hưu trí bổ sung chỉ có sự tham gia trực tiếp của hai bên, đó là người sử dụng lao động và người lao động. Sự tham gia này hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quản lý hoạt động của bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhưng sẽ có chính sách quản lý việc đóng hưởng, đầu tư quỹ, giám sát việc tổ chức thực hiện, có chính sách ưu đãi về thuế cho những đối tượng tham gia.

Thu Cúc

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó! (01/09/2013)

>   Giả mạo hồ sơ bảo hiểm có thể bị phạt 100 triệu (11/09/2013)

>   Tranh chấp bồi thường Bảo hiểm Bảo Việt: Tòa chia trách nhiệm 70:30 (28/08/2013)

>   Chậm nộp bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt 75 triệu (28/08/2013)

>   DN triển khai bảo hiểm hưu trí phải có vốn 1.000 tỷ đồng (28/08/2013)

>   Phó Thống đốc: Chính sách BHTG sẽ điều chỉnh một số nội dung (22/08/2013)

>   Đề xuất thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung từ tháng 1/2014 (19/08/2013)

>   Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (15/08/2013)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Ngóng chờ giải pháp... (09/08/2013)

>   Tăng chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm (31/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật