Đề xuất thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung từ tháng 1/2014
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam”. Các bên tham gia đề xuất thí điểm từ tháng 01/2014.
Tại hội thảo, đại diện tổ chức nghiên cứu liên bộ trình bày tổng quan về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản và nhóm công ty đề xuất quy trình nghiệp vụ triển khai thí điểm Chính sách Bảo hiểm Hưu trí Bổ sung ở Việt Nam.
Tích lũy của người lao động được đầu tư bởi các trung gian tài chính
Cụ thể, chính sách Bảo hiểm Hưu trí Bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc nhằm mục tiêu bổ sung cho chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và doanh nghiệp dưới hình thức các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua các hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, sự đóng góp và tích lũy của người tham gia sẽ được đầu tư theo tiêu chí minh bạch, an toàn và hiệu quả bởi các trung gian tài chính theo quy định của pháp luật về năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý tài sản hiệu quả. Tất cả các nghiệp vụ đầu tư và chi trả quyền lợi của chương trình phải được thực hiện tuân thủ theo quy định và sẽ được giám sát bởi một tổ chức thứ ba có chức năng và năng lực cung cấp dịch vụ lưu ký và giám sát.
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Mục tiêu chính triển khai thí điểm Chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam là nhằm xây dựng khung pháp lý để hình thành hệ thống hưu trí đa tầng bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản hiện nay, giúp doanh nghiệp giữ người tài, người lao động có thêm thu nhập.”
Được biết, hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Mỹ được thiết kế với nhiều hình thức khác nhau với 3 nguồn thu nhập nhất định. Thứ nhất là từ nguồn bảo hiểm hưu trí bắt buộc, đây là quỹ bảo hiểm xã hội chung, được xây dựng theo nguyên tắc chung như các quỹ bảo hiểm khác trên thế giới là đóng-hưởng. Thứ hai là bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện do doanh nghiệp tổ chức dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, đưa vào hợp đồng lao động có quy định tỷ lệ đóng của mỗi bên. Thứ ba là từ nguồn tiết kiệm hưu trí cá nhân được hình thành trên cơ sở người lao động mở một tài khoản riêng và đóng tiền vào đó. Nếu người chủ tài khoản cam kết tiền lương đưa vào tài khoản này chỉ được rút ra sau khi đã về hưu thì toàn bộ số tiền đóng vào đó được miễn thuế thu nhập.
Theo thống kê, hiện có 80 nước trên thế giới đã triển khai tầng thứ hai (bảo hiểm hưu trí bổ sung) bên cạnh tầng thứ nhất (hưu trí cơ bản). Trong khối APEC, còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình này.
Mặc dù chưa có khung pháp lý nhưng đã có một số doanh nghiệp hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam... Tuy nhiên, số tiền trích vào quỹ không được tính vào chi phí của doanh nghiệp. Khi nhận tiền, người lao động phải đóng thuế thu nhập theo quy định của Nhà nước.
Phần đóng góp của người lao động được miễn thuế TNCN
Tại hội thảo, nhóm công ty đề xuất bao gồm CTCP Quản lý quỹ VinaWealth (VinaWealth), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered và Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam cũng đã trình bày mô hình hoạt động chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung cho Việt Nam.
Về đề xuất này, hoạt động đầu tư của bảo hiểm hưu trí bổ sung do công ty quản lý quỹ thực hiện dưới sự giám sát của ngân hàng giám sát theo quy định của pháp luật. Tài sản bảo hiểm hưu trí bổ sung của người lao động thuộc sở hữu của người lao động và được quản lý trên tài khoản cá nhân của người đó, đảm bảo tách biệt tới từng người lao động.
Phần đóng góp vào quỹ chính sách hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động được khấu trừ hàng tháng từ tiền lương, lợi nhuận đầu tư tài sản của quỹ và nguồn tài trợ khác (nếu có).
Quỹ hưu trí đầu tư phần lớn tài sản (trên 50% tổng tài sản) vào các sản phẩm thu nhập cố định như tiền gửi, các công cụ tiền tệ, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, ngoại tệ... Quỹ cũng có thể đầu tư một phần tài sản vào các loại sản phẩm có tính thanh khoản khác như cổ phiếu.
Mức đóng góp dự kiến quy định trong khoảng từ 5-22% tiền lương hàng tháng được thỏa thuận giữa các bên với tối đa 5.06 triệu đồng/người/tháng và không vượt quá 60.72 triệu đồng/người/năm.
Khi tham gia đóng góp bảo hiểm hưu trí bổ sung, các khoản đóng góp của người lao động được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Các khoản đóng góp của người sử dụng lao động sẽ được tính là chi phí hợp lệ khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản thu nhập từ đầu tư được miễn thuế. Người nghỉ hưu lĩnh tiền hưu hàng tháng không bị đánh thuế, chỉ đóng thuế khi rút một lần.
Minh Hằng
infonet
|