Thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tại đồng bằng Sông Cửu Long:
Bảo hiểm nợ người nuôi tôm hàng trăm tỉ đồng
Sau thời gian thực hiện thí điểm bảo hiểm trên tôm nuôi tại ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, các Cty bảo hiểm nợ dân số tiền lên đến 500 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thanh toán.
Không vì những sai phạm nhỏ mà không chia sẻ rủi ro với người nuôi tôm ĐBSCL.
|
Nông dân lãnh đủ
Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi tại Bạc Liêu, Sóc Trăng do Cty bảo hiểm Bảo Việt đảm trách, tại Cà Mau do Cty bảo hiểm Bảo Minh đảm trách. Thời gian đầu, các doanh nghiệp trầy trật trong việc vận động người dân tham gia bảo hiểm. Ông Trần Thanh Lạc - Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu - đích thân đi xuống nhà người dân vận động mua bảo hiểm - nhớ lại: “Lúc đầu người dân không tin Nhà nước bán bảo hiểm cho tôm nuôi, bởi có quá nhiều quy định. Khi chúng tôi giải thích và tiến hành bồi thường cho 10 trường hợp đầu tiên với giá trị trên 2 tỉ đồng, người dân mới tin”. Cũng từ đó, việc mua bảo hiểm của người dân được dễ dàng.
Tuy nhiên, sự dễ dàng này kéo dài không được bao lâu thì tôm nuôi liên tiếp thiệt hại, khiến số tiền phải chi cho bảo hiểm của tỉnh này lên đến trên 200 tỉ đồng, hiện đã chi trả trên 130 tỉ đồng, còn lại gần như mất khả năng chi trả.
Tương tự, tại Sóc Trăng, Bảo Việt bán bảo hiểm cho 3.480 hộ nuôi tôm với mức phí thu được 70 tỉ đồng (bao gồm cả hỗ trợ của Nhà nước), nhưng rủi ro thế nào diện tích tôm chết lại rơi đúng vào những hộ mua bảo hiểm, với số tiền bồi thường lên đến trên 218 tỉ đồng. Tại Cà Mau, Cty bảo hiểm Bảo Minh cũng kêu lỗ, chậm bồi thường cho dân với tổng số tiền lên đến trên 10 tỉ đồng.
Ông Ngô Thanh Dân - xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu - nuôi 8ha tôm theo mô hình quảng canh. Năm 2012, ông mua bảo hiểm tôm trên toàn bộ diện tích này, khi bị thiệt hại được bồi thường trên 230 triệu đồng. Đầu năm 2013 ông tiếp tục mua bảo hiểm, tôm lại bị thiệt hại, nhưng Cty Bảo Việt Bạc Liêu chậm bồi thường khiến gia đình khánh kiệt không có vốn để thả tôm. Ông ngậm ngùi: “Tưởng đâu nhận được tiền bồi thường để tái sản xuất, nào dè Bảo Việt chậm chi trả nên tui không còn vốn để thả tôm nữa”.
Tại TP.Cà Mau, có đến 84 hồ sơ chưa được Bảo hiểm Bảo Minh chi trả. Ông Nguyễn Văn Hiển chua xót: “Nuôi tôm chẳng ai muốn thiệt hại, tưởng đâu có tiền bảo hiểm để gỡ phần nào khó khăn, nào ngờ Cty Bảo Minh không chi trả khiến chúng tôi không có tiền để đầu tư mới”.
Công ty kêu lỗ
Trong khi đó, bà con nuôi tôm tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) hầu hết chưa nhận được tiền bảo hiểm từ Cty Bảo Việt Bạc Liêu. Tuần nào người dân cũng kéo đến Cty bảo hiểm để đòi nợ. Ông Lâm Văn Trí - xã Vĩnh Trạch Đông, đại diện cho nhiều hộ chưa nhận tiền - bức xúc: “Tiền chúng tôi đã nộp đủ, thủ tục bên Cty bảo hiểm cần gì chúng tôi cung cấp cho họ hết, vậy mà họ chưa chịu trả cho chúng tôi. Hiện tại mùa tôm đã gần như kết thúc mà chúng tôi không có tiền để cải tạo ao đầm, thả tôm lại”.
Nhiều nông dân phải "treo ao" vì thiếu vốn tái sản xuất. Ảnh: D.K
Báo cáo của các Cty bảo hiểm cho thấy, trong thời gian triển khai bảo hiểm tôm nuôi họ chỉ thu về khoản phí trên 300 tỉ đồng của trên 234.400 hộ tham gia bảo hiểm, nhưng mức chi trả lên đến trên 500 tỉ đồng. Các hợp đồng bảo hiểm thủy sản chỉ thu về chưa đến 200 tỉ, nhưng mức bồi thường cũng trên 400 tỉ đồng.
Tại buổi đối thoại giữa Cty bảo hiểm Bảo Minh với chính quyền và người dân Cà Mau mới đây, đại diện Cty bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau thẳng thừng từ chối bán bảo hiểm cho người nuôi tôm với nhiều lý do, trong đó có lý do nghi ngờ người dân có sự gian lận.
Làm việc với tỉnh Sóc Trăng ngày 16.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính có chỉ đạo ngay việc chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện bảo hiểm tôm nuôi cho người nông dân. “Bảo hiểm cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo, chia sẻ rủi ro với người nông dân, không vì những sai phạm nhỏ mà không triển khai thực hiện. Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tiếp tục chi trả cho nông dân, đồng thời có chỉ đạo kịp thời đối với những trường hợp sai phạm” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh. |
Nhật Hồ
Lao động
|