Thứ Ba, 09/07/2013 14:36

Kỳ 2:

Nguy cơ “phá sản” bảo hiểm thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long

Không chỉ ở Cà Mau, mà ở các tỉnh trong toàn vùng ĐBSCL, tình trạng người dân kéo lên thắc mắc, chất vấn diễn ra suốt thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian thẩm định, bồi thường, gây áp lực không nhỏ cho lãnh đạo địa phương và những người làm công tác bảo hiểm. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện đó, còn nhiều điều mà không phải ai cũng có thể hiểu và thông cảm.

Trăm dâu đổ đầu… doanh nghiệp

Hiểu con tôm, hiểu quy trình nuôi, vì vậy Bảo Việt Bạc Liêu đã kiên quyết đấu tranh với nhiều trường hợp có tỷ lệ bồi thường không đúng với thực tiễn, mặc dù về mặt pháp lý đã được thể hiện bằng hợp đồng. Cũng vì thế, điện thoại của Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu Trần Thanh Lạc đã nhận được nhiều tin nhắn tạo áp lực nặng nề, thậm chí hăm dọa tới tính mạng của anh và của gia đình.

Tuy vậy, anh Lạc vẫn tự tin rằng mình đã làm đúng những việc cần làm: “Thà mất lòng trước, còn hơn sau này kiểm toán, thẩm định lại thì không chỉ mang tội vào cho mình mà còn cho bà con chỉ vì nhân nhượng, cả nể”.

Giám đốc Trần Thanh Lạc cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng tạm ngừng triển khai BHNN ở ĐBSCL là do DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) còn chưa thu xếp được Hợp đồng tái bảo hiểm năm 2013, do khoản lỗ BH thủy sản quá lớn, lại có hiện tượng chưa kiểm soát được chặt chẽ các rủi ro.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) về tình hình tổn thất BHNN thủy sản tại năm tỉnh ĐBSCL cho thấy, tính tới hết tháng 4/2013, có 15.275 hộ tham gia BH cho 5523 ha, tổng mức trách nhiệm BH là 2.855 tỷ đồng thì đã phải bồi thường xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu phí BH chỉ đạt 199,4 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường vượt trên 227%. Như vậy, số tiền mà các DNBH đã bỏ ra đền bù cho người nuôi là 282,9 tỷ đồng. Thế nhưng, những con số ấy không nhiều người biết và thông cảm cho DN. Cả ba DNBH được nhà nước chỉ định, yêu cầu tham gia thí điểm lần này đều phải dốc nhiều công sức, lực lượng nhân sự lẫn tài chính ra để ứng trước, bù lỗ… rất nhiều chi phí phát sinh cho công tác triển khai.

Thiếu sự đồng thuận

Tại một số địa phương, DNBH còn không nhận được sự đồng thuận cần thiết và kịp thời từ chính Ban chỉ đạo BHNN, mà Cà Mau là một ví dụ điển hình. Tại hội nghị sơ kết BHNN tháng 7/2012 tại thành phố Vinh (Nghệ An), lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã nhận lỗi trước toàn thể hội nghị vì tới khi đó, sau hơn 1 năm triển khai, Cà Mau vẫn chưa ký được hợp đồng nào, mặc dù là tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước.

Về phản ứng của người dân ở Cà Mau mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước, khi trao đổi với đoàn công tác liên bộ, một số hộ dân cho biết, họ cũng mới chỉ nghe cán bộ ở xã nói có thay đổi về quy tắc, điều khoản, biểu phí nhưng chưa nắm được sự thay đổi cụ thể thế nào.

Họ là những người không biết nhiều về chính sách, văn bản, lại không tham gia họp BHNN “do bận việc khác”, nên theo thói quen cán bộ địa phương nói làm gì thì dân làm nấy, vì vậy, khi cán bộ bảo không được đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung điều khoản, mức phí theo quy định mới thì người dân cũng nghe theo.

Có người còn tiết lộ, khi họ đồng ý với Bảo Minh sửa đổi và hai bên ký kết hợp đồng thì ngay cả cán bộ Ban chỉ đạo địa phương cũng la mắng họ là tại sao lại đồng ý với DN.

Ở cấp cao hơn, giữa Ban chỉ đạo BHNN tỉnh và Tcty CP Bảo Minh cũng không có được sự đồng thuận cao trong công tác thực hiện thí điểm BHNN. Lãnh đạo Tcty Bảo Minh cho biết: trong khi Tcty chỉ đạo các đơn vị thành viên đặc biệt xiết chặt công tác thẩm định, đánh giá rủi ro trước khi tiến hành ký HĐBH, không ký khi chưa thẩm định kỹ càng, thì phía Ban chỉ đạo BHNN Cà Mau lại yêu cầu Bảo Minh Cà Mau phải ký hợp đồng với nông dân trong thời gian sớm nhất, và Bảo Minh Cà Mau buộc phải tuân theo chỉ đạo này trong khi chưa thực sự thẩm định, đánh giá rủi ro kỹ càng.

“Trong suốt thời gian từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với Ban chỉ đạo BHNN tỉnh Cà Mau nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong thực hiện BHNN, nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác đúng mức của Ban chỉ đạo” – lãnh đạo Bảo Minh thẳng thắn.

Mỹ Hà

pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Nên có Quỹ bảo lãnh Quỹ BHXH (07/07/2013)

>   ABIC lo vay 25 triệu USD bồi thường vụ Vinalines Queens (04/07/2013)

>   Chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (30/06/2013)

>   Bức tranh nào cho bảo hiểm nhân thọ 2013? (30/06/2013)

>   Dệt may, giày da đăng ký bảo hiểm thất nghiệp nhiều nhất (30/06/2013)

>   Môi giới bảo hiểm, tìm cơ hội trong khó khăn (26/06/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Cái khó ló cái khôn (25/06/2013)

>   DN bảo hiểm ứng phó khi lãi suất giảm (21/06/2013)

>   Bảo hiểm “kêu khó” về chính sách thuế (20/06/2013)

>   Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Sửa luật có tăng hiệu lực? (20/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật