Nên có Quỹ bảo lãnh Quỹ BHXH
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nợ và chậm đóng BHXH như hiện nay. Khách quan là do tình hình kinh tế - xã hội gặp khó khăn, khiến nhiều DN không có khả năng tài chính để đóng đủ, đúng hạn tiền BHXH.
Chủ quan là do nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đóng BHXH của các DN và do cơ chế, chính sách pháp luật, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý các trường hợp vi phạm. Chính vì yếu tố này mà không ít DN đã cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng tiền, phục vụ đầu tư, kinh doanh hay cho các mục đích khác.
Hiện tại, mức phạt hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chỉ là 30 triệu đồng. Đối với hành vi chậm đóng BHXH, Điều 9 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng. Mức phạt này rõ ràng là quá thấp.
Như chúng ta biết, bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, bên bảo lãnh cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ được bảo lãnh. Ý tưởng buộc DN phải cung cấp được bảo lãnh của một bên thứ ba, chẳng hạn là ngân hàng, cho nghĩa vụ đóng Quỹ BHXH là ý tưởng hay nếu xét từ góc độ bảo đảm quyền lợi cho người lao động và đảm bảo khả năng thu của BHXH.
Tuy nhiên, nếu quy định bắt buộc như vậy thì tất cả các DN sẽ phải đội thêm chi phí trả cho bên bảo lãnh vào chi phí hoạt động của mình. Cái này cũng cần được cân nhắc kỹ vì không phải DN nào cũng chây ỳ, ý thức không tốt trong việc tuân thủ nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ, đúng hạn. Đấy là chưa kể đến việc nếu DN không cung cấp bảo lãnh cho BHXH thì sẽ xử lý như thế nào? Xử lý việc này chẳng khác việc xử lý DN chậm đóng bảo hiểm.
Do đó, tôi cho rằng để giải quyết vấn đề mà chúng ta đang bàn, cần phải sửa ngay các quy định hiện hành để nâng mức chế tài đủ răn đe. Cả mức phạt hành chính và thậm chí là quy định tội danh hình sự cụ thể cho các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH. Mức hành chính thì phải đủ cao để DN không thể nghĩ đến việc chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH cho mục đích sinh lời cao hơn.
Sửa pháp luật nhưng cũng phải tăng cường công tác thực thi pháp luật. Phải tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt, trong đó có biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản của DN vi phạm. Đã làm là phải làm quyết liệt và công khai minh bạch để nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của công tác thực thi pháp luật.
Biện pháp xử lý về mặt pháp luật nói trên chỉ xử lý được vấn đề cố tình trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH. Vì nhiều DN thực sự không có đủ tiền để nộp, tức do yếu tố khách quan kinh tế khó khăn, bài toán cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển cần phải xem như một giải pháp dài hơi và bền vững.
TS LS Lê Thành Vinh - Phó Tổng Giám Đốc Cty Luật SMiC
diễn đàn dn
|