Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Sửa luật có tăng hiệu lực?
Một vụ cháy nổ trạm xăng tại Hà Nội vừa xảy ra giữa lúc Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Liệu hai sự kiện này có góp phần làm cho việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được thực hiện nghiêm túc hơn?
Pháp luật về PCCC quy định các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao buộc phải mua BH cháy nổ với biểu phí, mức khấu trừ tối thiểu được quy định sẵn. Cơ quan quản lý cũng ban hành danh mục 16 loại cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như cơ sở sản xuất, kho vật liệu nổ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhà máy điện, chung cư, khách sạn từ 5 tầng trở lên…
Quy định này, được thực hiện từ năm 2007, tưởng như đem lại số lượng khách hàng không nhỏ cho các công ty BH, nhưng thực tế, việc chào bán sản phẩm BH cháy nổ bắt buộc không thuận lợi như người ta nghĩ. Năm 2012, BH cháy nổ đạt doanh thu 2.185 tỷ đồng, BH cháy nổ bắt buộc chỉ đạt doanh thu 594 tỷ đồng. Đáng nói là doanh thu này sụt giảm mạnh mẽ so với năm 2011, khi mà doanh thu phí đạt 1.020 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm Bảo Việt, mặc dù nằm trong diện có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến cháy nổ, song các doanh nghiệp vẫn thờ ơ với BH. Các đối tượng phải mua BH chỉ mua BH cho những tài sản có rủi ro nhất hoặc chỉ mua BH cho tài sản rẻ tiền nhất, thậm chí là không mua. Tình trạng này khiến cho tác dụng san sẻ rủi ro của BH cháy nổ bắt buộc không còn ý nghĩa.
Việc các doanh nghiệp thuộc diện phải mua BH không thực hiện nghiêm túc phần nào do những bất cập trong các quy định như: quy định về 16 nhóm đối tượng, vốn được ban hành cách đây 10 năm, chưa mang tính bao quát, thiếu cập nhật; mức khấu trừ và biểu phí cao; chưa có hướng dẫn bảo hiểm, quy tắc đối với các rủi ro phụ… Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân từ tình trạng chế tài không đủ mạnh, cơ chế giám sát, thanh tra chưa hiệu quả, nên DN “nhờn” luật. Thực tế, các doanh nghiệp BH chưa nhận được sự phối hợp tích cực của lực lượng cảnh sát PCCC trong việc đôn đốc, bắt buộc các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao phải mua bảo hiểm, cũng như trong việc giám định tổn thất.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu sẽ có phiên thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC để Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện. Việc biểu quyết thông qua sẽ được tiến hành vào kỳ họp tới. Thị trường đang hy vọng những bất cập trong BH cháy nổ bắt buộc sẽ được giải quyết trực tiếp (bằng những quy định ngay trong luật) hoặc gián tiếp (khi sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản dưới luật để hướng dẫn cho Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC).
Theo Chính phủ, Luật PCCC 2001 đang bộc lộ nhiều bất cập do tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, một số loại hình công trình đặc thù mới đã và sẽ xuất hiện tại Việt Nam, nhưng chưa được quy định trong Luật như nhà máy điện hạt nhân, nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn… Điều kiện bảo đảm PCCC đối với các công trình đặc thù chưa được quy định cụ thể, đầy đủ. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC như cứu nạn, cứu hộ, thanh tra... chỉ mới được quy định tại các văn bản dưới luật, cơ sở pháp lý không cao, làm hạn chế hoạt động của lực lượng cảnh sát PCCC.
Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCCC sẽ có thêm các quy định về một số cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, quy định điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với một số công trình đặc thù, tăng thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra cho lực lượng cảnh sát PCCC…
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, nên mở rộng nội dung sửa đổi, bổ sung để bao quát hết các vướng mắc, đảm bảo ngăn chặn tình trạng cháy nổ gia tăng. Ủy ban Quốc phòng Anh ninh tán thành việc tăng thẩm quyền đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về PCCC. Nhiều ý kiến cho rằng, danh mục các cơ sở có nguy cơ cháy nổ không nên ban hành theo Luật mà giao Bộ Công an thường xuyên kiểm tra, giám sát và cập nhật.
Như vậy, với những quy định mới nhằm tăng cường quản lý trong lĩnh vực PCCC, những bất cập khi triển khai BH cháy nổ bắt buộc có thể sẽ được giải quyết khi lực lượng kiểm tra, xử phạt được tăng thẩm quyền, diện đối tượng phải tham gia BH gia tăng và được cập nhật thường xuyên, quy định chặt chẽ và chi tiết hơn về điều kiện PCCC…
Sau 10 năm thực hiện Luật PCCC, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã dập tắt trên 28.000 vụ cháy, cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng ngàn người, bảo vệ tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Hiện cả nước đã thành lập được 122.718 đội dân phòng và đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 1.441.355 cán bộ, đội viên.
Hoàng Duy
Đầu tư chứng khoán
|