Thứ Tư, 12/06/2013 15:15

Tăng phí rủi ro và chiến lược ứng xử của DN bảo hiểm trong nước

Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai vào loại cao trên thế giới. Các nhà tái bảo hiểm quốc tế rất thận trọng với việc nhận tái từ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, DN bảo hiểm trong nước cần phải làm gì để dung hòa giữa cạnh tranh giảm phí và tránh lỗ nghiệp vụ?

Nhà tái bảo hiểm quốc tế khắt khe

Báo cáo mới nhất về thị trường bảo hiểm - tái bảo hiểm của Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare) cho biết, năm 2012, trong khi tình hình tổn thất nghiệp vụ tài sản chưa có cải thiện đáng kể so với năm 2011 thì tình hình tổn thất của nghiệp vụ kỹ thuật có chiều hướng gia tăng so với các năm trước. Các hợp đồng nhận tái từ nước ngoài cũng có kết quả không tốt do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt ở Thái Lan, bão ở Hàn Quốc…

Rủi ro thiên tai ở Việt Nam rất lớn khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế khá thận trọng

Còn ở thị trường thế giới, sau một năm 2011 đầy biến động thì năm 2012 được xem là năm tương đối yên tĩnh với thị trường bảo hiểm tài sản. Tổng thiệt hại từ các tổn thất thiên tai trong năm 2012 là 160 tỷ USD, thì tổn thất bảo hiểm là khoảng 65 tỷ đồng, giảm hơn rất nhiều so với con số 120 tỷ USD trong năm 2011. Diễn biến trên đã có những tác động tích cực đến thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm tài sản. Sau hàng loạt những biện pháp cứng rắn được áp dụng trong mùa tái tục 2011/2012, xu hướng ổn định đã chi phối thị trường trong suốt cả mùa tái tục 2012/2013 vừa qua. Tỷ lệ phí bảo hiểm cho các dịch vụ tài sản tiếp tục duy trì trạng thái ổn định, điều chỉnh giảm nhẹ (khoảng 5%) đối với các hợp đồng có kết quả tốt.

Mặc dù vậy, phí bảo hiểm vẫn tăng khoảng 10% đối với các hợp đồng chịu ảnh hưởng của tổn thất lớn. Những khu vực đã và có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của rủi ro thiên tai vẫn tiếp tục chịu sức ép tăng phí đối với các hợp đồng bảo vệ cho các rủi ro thảm họa. Trong năm 2013, các nhà tái bảo hiểm có thể vẫn sẽ áp dụng chính sách khai thác khá chặt chẽ và chọn lọc để có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh nghiệp vụ.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra cảnh báo, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, nhà tái bảo hiểm quốc tế đưa ra giới hạn trách nhiệm cho một sự kiện thiên nhiên được bảo hiểm đang là vấn đề đáng lo ngại.

Tại Việt Nam, năm 2012 có thể được xem là năm có nhiều sự thay đổi lớn với thị trường bảo hiểm tài sản. Hàng loạt biện pháp quản lý khai thác chặt chẽ được các nhà tái bảo hiểm quốc tế yêu cầu áp dụng trong các hợp đồng tái bảo hiểm cố định đã có tác động trực tiếp đến tình hình khai thác dịch vụ trên thị trường. Trong số đó, thay đổi quan trọng nhất là việc tách một số ngành nghề có nguy cơ tổn thất cao thành nhóm rủi ro loại 4 và áp dụng những điều kiện khai thác đặc biệt cho nhóm ngành này. Với những ràng buộc này, thị trường bảo hiểm tài sản Việt Nam đã có sự biến chuyển rõ rệt.

Tác động tích cực

Đứng trước sức ép trên, nhiều DN bảo hiểm cho rằng, điều kiện bảo hiểm cung cấp cho nhóm ngành này đã có sự cải thiện rất tích cực, đặc biệt đối với 2 yếu tố là tỷ lệ phí bảo hiểm và mức khấu trừ.

“Hiện nay, việc áp dụng tỷ lệ phần trăm trên mức khấu trừ gần như là một yêu cầu bắt buộc đối với các đơn bảo hiểm nhóm rủi ro loại 4 để có thể thu xếp được tái bảo hiểm. Tỷ lệ phí bảo hiểm cung cấp cho nhóm rủi ro này cũng tăng lên rất nhiều so với mặt bằng chung những năm trước đây để đáp ứng những yêu cầu tối thiểu trong hợp đồng cố định hoặc tuân theo các quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc”, ông Đào Mạnh Dương, Giám đốc Ban tái bảo hiểm tài sản Vinare nói.

Ngoài ra, cũng theo một số DN bảo hiểm phi nhân thọ khác, sự cải thiện về tỷ lệ phí đối với nhóm rủi ro loại 3, 4 (nhóm rủi ro chiếm đến khoảng 70% số lượng đơn bảo hiểm trên thị trường) đã có tác động rất lớn đến việc tăng trưởng doanh thu nghiệp vụ tài sản trong năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn và số lượng các dịch vụ mới trên thị trường không có sự tăng trưởng rõ rệt.

Về phần mình, nhiều DN bảo hiểm trong nước cũng đã có sự chọn lọc kỹ càng hơn về đối tượng khách hàng thông qua việc đánh giá chất lượng rủi ro trước khi cấp đơn. Sự thay đổi trong quan điểm khai thác của các DN bảo hiểm về nhóm rủi ro này mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mang tính lâu dài và ổn định của thị trường trong thời gian tới. Cho dù vậy, việc đánh giá nhìn chung vẫn còn tương đối đơn giản và chưa thực sự đưa ra được cái nhìn toàn diện về rủi ro được bảo hiểm.

Ứng xử của DN trong nước

Thực tế, cạnh tranh phi kỹ thuật vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối của thị trường bảo hiểm tài sản Việt Nam. Tỷ lệ phí, mức khấu trừ, điều kiện, điều khoản đã được cải thiện với các rủi ro xấu (loại 3, 4), song thị trường vẫn duy trì tính cạnh tranh cao đối với rủi ro nhóm 1, 2. Hiện nay, tỷ lệ phí thấp nhất cho các rủi ro loại 1 (chủ yếu là văn phòng, khách sạn) đã giảm xuống trong khoảng 0,02% với mức khấu trừ gần như bằng không, cũng như hàng loạt các điều kiện phi tiêu chuẩn được áp dụng (đặc biệt là các mẫu đơn do môi giới bảo hiểm cung cấp). Với những điều kiện được cung cấp như hiện nay thì ngay cả việc khai thác các rủi ro nhóm 1 cũng không mang lại lợi nhuận nghiệp vụ. Mặc dù khả năng gây ra tổn thất đối với nhóm ngành này là rất thấp, nhưng tần suất xảy ra các tổn thất nhỏ lại rất cao và khả năng thua lỗ nghiệp vụ là hoàn toàn có thể thấy trước.

Hay đối với nhóm rủi ro loại 2 (chủ yếu là các ngành sản xuất), tỷ lệ phí thấp nhất cũng đã nằm trong khoảng 0,04 - 0,05% và tiếp tục có xu hướng giảm thêm. Thậm chí, ngay cả đối với rủi ro loại 3, 4 (2 nhóm rủi ro có tỷ lệ cao nhất thị trường) thì việc cạnh tranh hạ phí cũng vẫn tiếp tục diễn ra (mặc dù không mang tính hệ thống), đặc biệt là các rủi ro có giá trị trung bình và nhỏ.

Điều đáng lo ngại hiện nay là thị trường tái bảo hiểm quốc tế ngày càng hạn chế nhận các dịch vụ tạm thời nghiệp vụ tài sản từ thị trường Việt Nam (kể cả rủi ro loại 1) và gần như tất cả các dịch vụ tái tạm thời tiếp tục được các công ty trên thị trường tự chia sẻ với nhau thông qua việc nhận tái tạm thời/đồng bảo hiểm.

Một vấn đề nóng khác trên thị trường trong những năm qua là việc quản lý các rủi ro thiên tai. Là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của các rủi ro thiên tai, việc bảo hiểm cho các rủi ro trên thị trường Việt Nam luôn là quan ngại của các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Việc áp dụng giới hạn trách nhiệm bảo hiểm rủi ro thiên tai (Event Limit) trong các hợp đồng cố định là một biện pháp mà thị trường quốc tế áp dụng để kiểm soát trách nhiệm đối với loại hình này. Tuy nhiên, việc khai thác bảo hiểm rủi ro thiên tai trong năm qua tiếp tục không có sự kiểm soát chặt chẽ từ đa số các DN bảo hiểm.

“Mặc dù Event Limit đã được áp dụng vào các hợp đồng tái bảo hiểm cố định từ đầu năm 2012, nhưng ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, chưa thấy có một động thái cụ thể từ các DN bảo hiểm trong việc quản lý khai thác rủi ro thiên tai như đánh giá mức độ rủi ro, tính phí bảo hiểm, quản lý tích tụ, giới hạn trách nhiệm, thu xếp tái bảo hiểm... Hay nói cách khác, cách nhìn của DN bảo hiểm Việt về vấn đề này chưa có sự thay đổi rõ rệt”, ông Dương nói.

Trên thực tế, các DN bảo hiểm Việt đều nhận thức rằng, thiên tai là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nghiệp vụ, song với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, rủi ro thiên tai vẫn tiếp tục chỉ được coi là một rủi ro phụ được cung cấp miễn phí, đứng sau nhu cầu mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cùng với sức ép ngày càng lớn của thị trường tái bảo hiểm quốc tế cũng như nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận kinh doanh trong nghiệp vụ, việc nghiên cứu các biện pháp quản lý và ứng phó với rủi ro thiên tai phải được coi là một ưu tiên hàng đầu.

Mạnh Lương

Đầu Tư Chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tăng Quỹ bảo hiểm xã hội nhờ cho vay ngân hàng (09/06/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ “bỏ qua” quý II (07/06/2013)

>   Xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm: Những bước tiến kiên trì (06/06/2013)

>   Để ngành bảo hiểm tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế (06/06/2013)

>   HDBank và Manulife Việt Nam ký kết hợp tác toàn diện (06/06/2013)

>   Kinh doanh cá thể cũng phải đóng bảo hiểm xã hội (05/06/2013)

>   Chậm đóng BHXH bị phạt gấp 3 lần lãi suất (04/06/2013)

>   HDBank hợp tác với Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern (28/05/2013)

>   Người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2012 tăng gấp đôi (27/05/2013)

>   Mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức tiền lương tháng (19/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật