Xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm: Những bước tiến kiên trì
Nhu cầu xếp hạng tín nhiệm đang tăng lên trong các nhà bảo hiểm lớn của Việt Nam. Chập chững đi từ những bước thấp, các DN bảo hiểm Việt đang kiên trì đưa mình lên tới những chuẩn mực cao hơn trên thị trường quốc tế.
Nhu cầu tăng lên
Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đã lên kế hoạch hoàn thành xếp hạng tín nhiệm trong năm nay, dự kiến vào tháng 9. Bên cạnh đó, một vài nguồn tin thân cận cho biết, Tập đoàn Bảo Việt cũng đang làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để được xếp hạng tín nhiệm - dù đến nay Bảo Việt vẫn giữ kín kế hoạch này.
Nếu hai nhà bảo hiểm này hoàn tất kế hoạch, tổng số DN bảo hiểm được xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam sẽ nâng lên con số 5. Hiện tại, đã có 3 nhà bảo hiểm Việt Nam gồm Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) và Công ty liên doanh TNHH Bảo hiểm Samsung Vina (SVI) đã được xếp hạng.
Nhu cầu xếp hạng tín nhiệm xuất hiện khi định hướng mở rộng hoạt động hoặc thu hút đối tác chiến lược của các DN bảo hiểm tăng cao. Vinare ngay từ đầu năm 2012 đã sớm công khai kế hoạch thuê xếp hạng tín nhiệm của mình khi mà Tổng công ty đang mở rộng hợp tác với nhà tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re và triển khai nhiều dự án bảo hiểm quy mô lớn như Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc CTCP PVI, sau khi ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với nhà bảo hiểm Đức Talanx cũng công nhận rằng, một trong những yếu tố quan trọng khiến Talanx chọn PVI chính là việc Công ty đã được A.M.Best xếp hạng tín nhiệm.
Một cái tên khác là Bảo hiểm Quân đội (MIC) hồi giữa năm 2012 cũng từng cho biết, công ty này đang chuẩn bị thuê A.M.Best xếp hạng tín nhiệm. Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc MIC trả lời phỏng vấn ĐTCK đã cho biết, việc xếp hạng là điều kiện cần để MIC phát triển kinh doanh tái bảo hiểm ra thị trường quốc tế và tạo tiền đề thành lập Công ty tái bảo hiểm MIC Re. Ngoài ra, ông Quang cho biết thêm, việc xếp hạng này cũng sẽ giúp công ty vươn ra nước ngoài để kinh doanh nhận tái bảo hiểm.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng lên, đặc biệt trong 2 - 3 năm gần đây. Và Việt Nam không phải ngoại lệ”, A.M. Best, nhà cung cấp dịch vụ xếp hạng lớn nhất cho các DN bảo hiểm hiện nay, nhận xét trong thư trả lời phỏng vấn với ĐTCK. “Các nhà bảo hiểm ở khu vực này đang mở rộng và củng cố hoạt động của mình. Họ có thể tìm cách phát triển kinh doanh bằng việc đa dạng hóa hoạt động sang các thị trường mới hoặc lĩnh vực mới, khi đó việc xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ trở thành công cụ vô giá để chứng minh năng lực của họ ở cả trong nước và nước ngoài”, A.M. Best cho biết.
Với việc được A.M.Best xếp hạng tín nhiệm, uy tín quốc tế của PVI đã bắt đầu định hình
|
Những “điểm trừ”
Nhìn thẳng thắn, 3 DN bảo hiểm đã được xếp hạng của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các DN cùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo khu vực gần đây nhất của A.M. Best công bố tháng 10/2012 cho thấy, năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI và PVI Re được xếp ở mức B+ cùng với 4 DN khác, xếp sau 81 DN xếp hạng A++, A+, A, A- và B++ (trong đó phần lớn DN được xếp hạng A và A-). Chỉ có 1 DN xếp hạng B và 1 DN xếp hạng B- đứng sau hai DN này. SVI có kết quả tốt hơn khi được xếp hạng B++ cùng với 14 DN khác.
Mức xếp hạng B+ phản ánh rằng, DN có khả năng đáp ứng yêu cầu vốn, khả năng thanh khoản an toàn, chiến lược đầu tư thận trọng và kết quả hoạt động bảo hiểm khả quan - 4 năm qua PVI vẫn giữ nguyên ở mức xếp hạng này. Mức xếp hạng B++ của SVI phản ánh tình hình vốn “lành mạnh”, khả năng sinh lời tốt và quản trị rủi ro (ERM) vững chắc của DN.
Đã có ý kiến cho rằng, rủi ro quốc gia ảnh hưởng lớn tới xếp hạng tín nhiệm - Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất rơi vào nhóm CRT-5 của A.M. Best, tức nhóm có mức rủi ro quốc gia lớn nhất, xếp sau các nước Indonesia ở nhóm 4 và Malaysia, Thái Lan ở nhóm 3.
Tuy nhiên, các chuyên gia A.M. Best cho biết, rủi ro quốc gia chỉ là một trong “nhiều yếu tố” đánh giá xếp hạng, và dẫu đây là yếu tố quan trọng nhưng cũng không đặt ra một mức trần nào cho kết quả cuối cùng.
Vậy đâu là yếu tố chính để đánh giá năng lực của một nhà bảo hiểm? Báo cáo cập nhật nhất hồi tháng 4/2013 của A.M.Best về Bảo hiểm PVI liệt kê những yếu tố là “điểm trừ” đối với DN này gồm: Bảo hiểm PVI vẫn đang nhận dòng tiền hỗ trợ từ PVI Holdings (và do đó một phần lớn lợi nhuận sẽ phải được chuyển cho PVI Holdings trong tương lai), tỷ lệ chi phí ngoài bồi thường (expense ratio) cao. Bên cạnh đó, xét về mặt khách quan, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang chậm lại có khả năng tạo áp lực lên tính sinh lời và tăng trưởng kinh doanh của Bảo hiểm PVI. Các “điểm trừ” cũng được liệt kê tương tự đối với PVI Re. Ngoài ra A.M. Best liệt kê thêm rằng, cơ sở vốn của PVI Re vẫn nhỏ so với các công ty tái bảo hiểm trong khu vực Đông Nam Á.
Đối với Samsung Vina, mô hình hoạt động và cơ sở vốn được đánh giá khả quan hơn. “Điểm trừ” ở đây là sự dao động lớn trong kết quả hoạt động của SVI, cho dù kết quả này được đánh giá là đã cải thiện trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, A.M. Best cũng lưu ý thêm về môi trường cạnh tranh gay gắt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam có thể gây tác động tới kết quả kinh doanh của SVI.
Trong hội thảo giữa năm 2012, A.M. Best đã nhấn mạnh đến 3 yếu tố để đánh giá năng lực tài chính DN: chất lượng bảng cân đối, tính sinh lời và hồ sơ quản trị DN của nhà bảo hiểm. Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động của Bảo Việt, tại hội thảo này đã thẳng thắn thừa nhận rằng, cả 3 yếu tố này vẫn là vấn đề lớn đối với các DN bảo hiểm Việt Nam: chất lượng tài sản của các DN khá yếu - trong đó tỷ lệ tài sản là bất động sản và chứng khoán vẫn cao, trong khi đó chỉ có một vài DN trong 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ là có lãi nghiệp vụ.
Trong khi đó, môi trường cạnh tranh khốc liệt vẫn tiếp tục là mối quan ngại lớn trong mắt hãng xếp hạng đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Báo cáo hồi tháng 10/2012 của A.M.Best “lo ngại về tính bền vững trong lợi nhuận của các nhà bảo hiểm Việt Nam trước những biện pháp kiểm soát lạm phát, bối cảnh đầu tư suy yếu và môi trường hoạt động cạnh tranh”. A.M. Best cho rằng, mặc dù tỷ lệ phí đã nâng cao hơn trong năm 2012, đặc biệt đối với dòng bảo hiểm tài sản, “nhưng mức phí có thể vẫn không phản ánh thích đáng rủi ro nhận về”.
Ngay cả việc lạm phát đã được kiềm chế từ đầu năm 2013 tới nay cũng chưa làm A.M. Best thay đổi quan điểm tức thì đối với rủi ro quốc gia của Việt Nam. A.M. Best cho biết, lạm phát chỉ là một trong nhiều yếu tố được tính vào Mô hình rủi ro quốc gia và việc cải thiện một trong những yếu tố đó không dẫn đến thay đổi cơ bản trong CRT.
“Thêm vào đó, xét trên khía cạnh lạm phát, không chỉ lạm phát cao mới là vấn đề, mà đó là việc lạm phát dễ dao động, khó dự đoán khiến cho các nhà bảo hiểm hoạt động trong môi trường đó khó đưa ra quyết định về dự trữ và về giá”, hãng này cho biết.
Bước tiến kiên trì
Cho dù tình hình đang trở nên khó khăn hơn, điều có thể nhìn thấy rõ ràng vẫn là những bước tiến kiên trì của các DN bảo hiểm lớn trong tiến trình vươn tới quy chuẩn quốc tế. Ngày 11/4/2013, A.M. Best đã đồng thời nâng triển vọng nâng hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực” đối với Bảo hiểm PVI và PVI Re.
Đối với Bảo hiểm PVI, “điểm cộng” cho việc nâng triển vọng trước hết gồm: khoản vốn tăng thêm 200 tỷ đồng do PVI Holdings góp vào Bảo hiểm PVI, cùng với kế hoạch tăng năng lực tài chính của PVI Holdings cho công ty con của mình trong những năm tiếp theo; thứ hai là việc Bảo hiểm PVI có trên 80% tổng đầu tư là tiền mặt và tiền gửi, vì vậy, thu nhập đầu tư chủ yếu là lãi tiền gửi và do đó, thanh khoản được kỳ vọng là vẫn vững.
Việc xếp hạng cũng công nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cổ đông lớn của PVI Holdings, gồm Tập đoàn Dầu khí, Talanx AG và Quỹ đầu tư Oman. Các “điểm cộng” này cũng tương tự với PVI Re - DN này thậm chí có trên 90% tài sản đầu tư được phân bổ thành tiền và tiền gửi ngân hàng, lợi nhuận năm 2012 cũng đạt kế hoạch kinh doanh của Công ty, cho dù doanh thu thấp hơn kế hoạch một chút.
Trong khi đó, Samsung Vina hồi tháng 9/2012 được tái khẳng định xếp hạng năng lực tài chính ở mức B++ (Tốt) và xếp hạng tín dụng “bbb+”, triển vọng cho cả hai xếp hạng đều là Ổn định. A.M. Best dự kiến SVI sẽ vẫn có lãi từ nghiệp vụ và thu nhập đầu tư vẫn đang tăng trưởng mạnh, đồng thời đánh giá cao hệ thống ERM của SVI được hỗ trợ bởi Samsung F&M.
A.M. Best không tiết lộ về các khách hàng đang làm việc ở Việt Nam hay có khả năng làm việc tiếp theo ở Việt Nam, tuy nhiên Hãng cho biết, “các khách hàng ở thị trường Việt Nam rất hợp tác với chuyên viên của chúng tôi trong quá trình xếp hạng. Họ có thể cung cấp những thông tin mà các chuyên viên yêu cầu cho quá trình xếp hạng. Mặc dù cơ sở dữ liệu trong ngành hạn hẹp để có thể so sánh với các công ty tương đương, các khách hàng xếp hạng của chúng tôi vẫn có thể bày tỏ sự hiểu biết của họ về thị trường, về điểm mạnh lẫn điểm yếu của chính họ”.
“Các chuyên viên của chúng tôi đánh giá rất cao sự minh bạch của các khách hàng này trong việc chia sẻ chiến lược và tầm nhìn với A.M. Best”, đại diện A.M. Best khẳng định.
Quang Minh
đầu tư chứng khoán
|