Thứ Năm, 20/06/2013 09:13

Người hưởng bảo hiểm xã hội đang “gánh” phí quản lý cao

Chi phí quản lý là chi phí được phép từ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) được ghi trong luật. Trước nguy cơ quỹ BHXH không còn khả năng chi trả lương hưu vào khoảng năm 2029, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng các giải pháp hầu như chỉ tập trung vào việc tăng thu, giảm chi (tăng tuổi hưu). Trong khi, còn một hạng mục nữa, đó là việc chi phí quản lý quỹ này đang tăng quá nhanh.

Người tham gia BHXH đang phải oằn mình gánh chi phí quản lý do quy hoạch nhân lực của ngành này tăng.

Quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng và cần nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối. Theo tính toán từ tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2029, quỹ này sẽ không còn khả năng chi trả lương hưu nếu những chính sách đóng, hưởng và các hoạt động liên quan đến quản lý quỹ vẫn như hiện nay. Tại phiên chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua, bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã rất lo lắng: người về hưu mà quỹ BHXH không có tiền để trả lương hưu cho họ, mọi việc sẽ ra sao?

Trong nhiều lý do khiến quỹ BHXH có nguy cơ thâm hụt, tại cuộc họp mới được tổ chức về việc sửa đổi luật BHXH, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, chuyên gia tư vấn của ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng, chi phí quản lý quỹ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Tốc độ tăng chi phí quản lý cao từ năm 2010 do tác động từ việc tăng tỷ lệ đóng BHXH và tỷ lệ chi được phép cao.

Theo bà Tuệ Anh, thông lệ quốc tế cho thấy tuỳ thuộc vào từng quốc gia với chi phí hành chính khác nhau, quy mô tham gia BHXH, cách thức quản lý, dịch vụ cung cấp và các loại hình bảo hiểm nhưng tỷ lệ chi phí hành chính chỉ từ khoảng 2 – 2,5% tổng thu. Tuy nhiên ở Việt Nam, tỷ lệ này trong giai đoạn từ năm 2007 – 2010 dao động trong khoảng từ 3,4 – 3,6% tổng thu, và đến năm 2011 thì chi phí này tăng vọt lên 4% tổng thu.

Việc tăng chi phí quản lý trên tổng thu như vậy đã đưa đến chi phí quản lý trên đầu mỗi người hưởng và người đóng BHXH cũng tăng theo. Cụ thể, năm 2008 chi phí này là 2,6 triệu đồng/người, tới năm 2009 giảm xuống còn 2,4 triệu đồng/người, nhưng đến năm 2010 tăng lên 3 triệu đồng/người, và đến năm 2011 tăng vọt lên 4,4 triệu đồng/người.

Trong xu thế chung của các nước là giảm chi phí hành chính thông qua việc tăng hiệu quả của hệ thống quản lý bằng mô hình gọn nhẹ, đầu tư công nghệ, giám sát và quản lý rủi ro, đầu tư hiệu quả thì chi phí quản lý BHXH ở Việt Nam lại có xu hướng tăng, và có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012 và 2013 dù chưa có số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, quy hoạch nhân lực của ngành này sẽ tiếp tục phình ra, dự kiến sẽ tăng từ hơn 20.000 người như hiện nay lên 26.000 người vào năm 2016 và 30.000 người vào năm 2020. Với sự phình ra ngày càng to của bộ máy quản lý trong khi một số dịch vụ đã và sẽ thuê ngoài như việc trả lương hưu qua hệ thống bưu điện. Người tham gia BHXH đang phải oằn mình nuôi một bộ máy cồng kềnh và luôn thấp thỏm lo lắng về sự an toàn của quỹ BHXH.

Tây Giang

Le lói

Kể từ ngày 1.7 tới, thêm 12 tỉnh, thành phố sẽ chi trả các chế độ BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện, đưa số tỉnh, thành phố thực hiện dịch vụ này lên 24. Đây là bước tiến mới của hệ thống BHXH Việt Nam khi tận dụng mạng lưới cơ sở sẵn có của tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thực hiện dịch vụ này, thay vì chở tiền về các xã phường, thuê người chi trả và luôn trong tình trạng thiếu nhân viên tại địa phương. Tuy BHXH Việt Nam không công bố mức phí dịch vụ chi trả cho tổng công ty Bưu điện là bao nhiêu, nhưng cách làm này rõ ràng đã giảm bớt một phần việc không nhỏ của hệ thống BHXH Việt Nam hiện nay. Với việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài, phần việc giảm đi nhưng cơ quan BHXH Viêt Nam cũng không công bố số người lao động vốn đang làm những công việc về chi trả các chế độ hàng tháng cho người lao động sẽ bị tiết giảm là bao nhiêu, qua đó giảm chi phí quản lý chi từ quỹ BHXH của người lao động.


sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Luật “vênh” nhau, biết đường nào thực hiện? (20/06/2013)

>   Nên thu bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập (18/06/2013)

>   Xử phạt thấp, doanh nghiệp thích... ra tòa (17/06/2013)

>   Trục lợi bảo hiểm, DN đang “sống chung với lũ” (17/06/2013)

>   Người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 40% (16/06/2013)

>   “Duyên lành” bảo hiểm - ngân hàng (14/06/2013)

>   Tăng phí rủi ro và chiến lược ứng xử của DN bảo hiểm trong nước (12/06/2013)

>   Tăng Quỹ bảo hiểm xã hội nhờ cho vay ngân hàng (09/06/2013)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ “bỏ qua” quý II (07/06/2013)

>   Xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm: Những bước tiến kiên trì (06/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật