Phó Thống đốc: Chính sách BHTG sẽ điều chỉnh một số nội dung
Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đang nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo xu hướng tăng lên.
Ông có thể cho biết Luật BHTG có gì mới so với các quy định trước đó?
Ban hành Luật BHTG là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về hoạt động BHTG tại Việt Nam. Điều đó thể hiện chủ trương, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách bảo vệ tiền gửi của dân. Luật BHTG đã kế thừa những ưu điểm của quy định hiện hành, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và khắc phục những tồn tại của chính sách. Luật BHTG cũng quy định rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức BHTG, việc cung cấp trao đổi thông tin của tổ chức BHTG với các cơ quan chức năng liên quan, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG…
Người dân cho rằng, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 50 triệu đồng không còn phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách BHTG. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật BHTG không quy định cụ thể hạn mức trả tiền bảo hiểm mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của NHNN Việt Nam trong từng thời kỳ để phù hợp với sự thay đổi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện NHNN đang nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo xu hướng tăng lên.
Vậy với vấn đề phí BHTG thì sao?
Hiện phí BHTG được áp dụng với mức 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Điều này có hạn chế là cào bằng, không đảm bảo nguyên tắc thị trường theo đó tổ chức tín dụng nào có mức độ rủi ro cao thì phải đóng phí cao và ngược lại. Khắc phục điều đó, Luật BHTG quy định Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN Việt Nam. Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại tổ chức này.
Tuy nhiên, việc này cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là phải xem xét hoàn thiện hệ thống đánh giá xếp hạng các tổ chức tín dụng theo phương pháp CAMELS. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai thu phí BHTG theo mức độ rủi ro. Đồng thời, một yếu tố cần cân nhắc khi triển khai thu phí BHTG theo mức độ rủi ro là trách nhiệm bảo mật thông tin đánh giá xếp hạng, tránh trường hợp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng. Đây cũng là vấn đề đổi mới chính sách BHTG tại Việt Nam và cũng sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Theo ông, thời gian tới BHTGVN cần phải làm gì để triển khai hiệu quả chính sách BHTG?
Thời gian qua, BHTGVN đã hoàn thành vai trò bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Để triển khai hiệu quả chính sách BHTG trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính và hội nhập quốc tế cần có những yêu cầu nhất định.
Về thể chế, cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về chính sách BHTG. Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2013/NĐ-CP; hiện nay các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG, Nghị định 68 một cách kịp thời, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG. Đó là cơ sở pháp lý để tổ chức BHTGVN triển khai hiệu quả chính sách BHTG tại Việt Nam.
Về tổ chức thực hiện chính sách BHTG: Thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng lực của tổ chức BHTGVN như năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng phương thức tổ chức triển khai chính sách phù hợp, hiệu quả… Đặc biệt, BHTGVN cần đẩy mạnh công tác truyền thông để công chúng hiểu biết nhiều hơn về BHTG góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Sen
Tiền Phong
|