Thứ Sáu, 04/10/2013 08:30

Chưa rõ bản chất của bảo hiểm hưu trí

Trong khi nhiều ý kiến còn đang băn khoăn chưa biết quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung trong tương lai sẽ hoạt động ra sao thì ngay cả những chuyên gia pháp luật cũng chưa rõ bản chất của bảo hiểm hưu trí là gì, mặc dù chế độ này đã tồn tại và duy trì trong thời gian khá dài.

Băn khoăn quỹ bảo hiểm trong tương lai

Chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay tồn tại dưới hai hình thức, cả tự nguyện và bắt buộc. Đây là chế độ trợ cấp dài hạn cho người lao động khi già yếu, hết tuổi lao động, nhằm cung cấp một khoản trợ cấp thay thế cho phần thu nhập không được nhận từ nghề nghiệp do phải nghỉ hưu. Có thể nói, đây là chế độ trợ cấp quan trọng nhất trong các chế độ trợ cấp BHXH hiện hành.

Tuy nhiên, một nội dung được coi là “mới toanh” lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo Luật BHXH đó là khái niệm “bảo hiểm hưu trí bổ sung”. Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chương trình BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Dù “bao quát” thêm chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung nhưng Dự thảo Luật lại chưa làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan cũng như cơ chế thụ hưởng chính sách này. Bởi vậy, ngay đến các chuyên gia kinh tế và các nhà làm luật cũng chưa thông tỏ về chế độ bảo hiểm này sẽ triển khai và thực hiện ra sao.

“Bảo hiểm hưu trí bổ sung dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân là gì, thế nào là “các tài khoản tiết kiệm”?. Chế độ này có gì khác với bảo hiểm hưu trí bắt buộc và tự nguyện về phương thức hoạt động?”, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn.

Bất cập chế độ bảo hiểm hưu trí hiện hành

Không chỉ băn khoăn về một chế độ bảo hiểm mới, ông Lợi còn chỉ ra không ít những bất cập của chế độ bảo hiểm hưu trí hiện hành: “Bản chất của bảo hiểm hưu trí là gì?. Có phải là bảo hiểm cho tuổi tác già yếu hay tuổi nghề (nặng nhọc, độc hại), hay tuổi làm việc của người lao động ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, khí hậu xấu; hay tuổi theo chức vụ, cấp hàm trong lực lượng vũ trang… trong khi bản chất của bảo hiểm hưu trí ở các nước trên thế giới là bảo hiểm cho việc suy giảm khả năng lao động do tâm, sinh lý của người lao động gắn với tuổi tác, già yếu.

Theo quy định hiện nay thì có không ít người vẫn còn sức khỏe và đang trong độ tuổi lao động thì lại phải về hưu, những “anh” đã đủ 41 tuổi nhưng theo cấp hàm đó mà anh không lên được nữa thì phải... về? Bảo hiểm hưu trí hiện hành của Việt Nam đặt ra không hoàn toàn đúng với bản chất của chế độ bảo hiểm do suy giảm khả năng lao động bởi tuổi tác, già yếu”.

Nhìn từ góc độ của người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng thừa nhận, việc thực hiện bảo hiểm hưu trí hiện nay còn một số vướng mắc, điển hình là việc người tham gia BHXH trên 20 năm, nhưng chưa đủ tuổi về hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi), nếu bị ốm nặng mặc dù có nguyện vọng cũng không được giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Bên cạnh đó, việc quy định số năm đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu khiến nhóm đối tượng người lao động từ 45 tuổi trở lên đối với nam và 40 tuổi trở lên đối với nữ không thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu do không đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện.

Nhiều chuyên gia pháp lý bình luận rằng, quan điểm, mục tiêu cũng như tính chất của bảo hiểm hưu trí hoàn toàn khác với các chế độ BHXH còn lại nhưng hiện nay lại được qui định chung trong một Luật nên nhiều nội dung bất nhất với mục tiêu, nguyên tắc, tạo sự bất bình đẳng giữa các loại lao động; cùng đóng như nhau nhưng lương hưu của khu vực nhà nước cao hơn khu vực ngoài nhà nước; phủ định nguyên tắc đóng - hưởng ngay từ qui định ban đầu và quá trình thực hiện.

“Nhà nước sử dụng quỹ bảo hiểm hưu trí kết dư như nguồn tiền của ngân sách nhà nước dưới cái ô “bảo đảm an toàn quỹ”, quỹ do Nhà nước bảo hộ nên Nhà nước vay, chỉ định mua công trái, trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn thị trường, lại chậm trả, thiếu sòng phẳng...”, ông Đặng Như Lợi nêu quan điểm.

Chính vì những tồn tại trên nên khi Dự thảo Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến, ông Mai Đức Chính đề nghị trước mắt thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 187 Bộ luật Lao động 2012 về độ tuổi nghỉ hưu, tức là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đồng thời quy định thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm khi người lao động đã đủ điều kiện tuổi đời và thời gian đóng BHXH theo quy định; không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện và có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.

Và điều mà người lao động đang quan tâm đó là tính minh bạch của hệ thống BHXH phải được đảm bảo, sao cho người dân có thể biết và kiểm tra, giám sát được, bởi tiền trong quỹ là do từng người lao động đóng góp và các cơ quan quản lý nhà nước hay BHXH Việt Nam chỉ là cơ quan, tổ chức thay mặt nhân dân để điều hành, quản lý quỹ nhằm phục vụ cho các mục tiêu an sinh xã hội cho nhân dân.

“Sự cải cách quỹ BHXH trong lần sửa đổi Luật BHXH sắp tới để hướng tới một chính sách bảo hiểm hưu trí là hết sức cần thiết và cấp bách vì những nguy cơ gây mất cân đối quỹ là rõ ràng, nhưng việc lựa chọn phương án tối ưu trong cải cách quỹ là một công việc không đơn giản.

Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục mở rộng quá trình tham vấn về các phương án cải cách quỹ bảo hiểm hưu trí, không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà cả từ phía doanh nghiệp, công đoàn và đặc biệt là từ những người lao động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau”, TS Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất.

V.A

Pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm nhân thọ “rốt ráo” triển khai bảo hiểm hưu trí (03/10/2013)

>   Chưa dễ ngăn doanh nghiệp lách luật giảm chi phí bảo hiểm (21/09/2013)

>   Cách nào “răn đe“ hiệu quả doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm? (20/09/2013)

>   TPHCM: Hơn 100 công nhân khiếu nại nợ lương, BHXH (13/09/2013)

>   Gian nan thu hồi nợ bảo hiểm xã hội (11/09/2013)

>   Vốn 1.000 tỷ đồng mới được kinh doanh bảo hiểm hưu trí (10/09/2013)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang “sa lầy” (06/09/2013)

>   Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung: Cần lộ trình phù hợp (05/09/2013)

>   Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó! (01/09/2013)

>   Giả mạo hồ sơ bảo hiểm có thể bị phạt 100 triệu (11/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật