Chưa dễ ngăn doanh nghiệp lách luật giảm chi phí bảo hiểm
Ngoài tình trạng trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện tượng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH đang diễn ra khá phổ biến và không dễ ngăn chặn.
Hiện tượng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH đang diễn ra khá phổ biến
|
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện chỉ có 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong khi số thuộc diện bắt buộc phải lên tới khoảng 78%.
Tính đến tháng 7/2013, số nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp (DN), đơn vị trên phạm vi cả nước lên tới 6.368 tỷ đồng, chiếm 7,83% số phải thu trong năm 2013.
Theo bà Phương, nguyên nhân là do mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều DN chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH của người lao động.
Trong khi đó, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế; các ngân hàng thương mại lại chưa thực hiện trích tiền từ tài khoản của DN nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định, vì dễ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa ngân hàng và DN.
Một số tỉnh, thành phố không quyết liệt trong việc đòi nợ, xử lý những DN nợ BHXH, vì ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Tình trạng này đang làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi BHXH của hàng triệu lao động trên cả nước.
Cảnh báo tình trạng giảm bớt mức đóng BHXH
Thế nhưng, ngoài tình trạng trốn đóng, nợ tiền BHXH, một vấn đề nguy hiểm khác cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi BHXH của người lao động đang bị các DN lợi dụng mà bà Phương chưa nhắc đến, đó là tình trạng DN lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, để giảm bớt mức đóng BHXH của người lao động, DN đã lách luật, khi tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp khác nhằm giảm mức lương trên hợp đồng với người lao động, đồng nghĩa với việc giảm chi phí đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Mức đóng BHXH thấp dẫn tới các chế độ bảo hiểm, như ốm đau, thai sản cũng như mức lương hưu trong tương lai sẽ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
“Đây là một thực tế mà gần như phần lớn DN, nhất là những DN thâm dụng lao động đều vi phạm. Người lao động và cả cơ quan quản lý đều biết”, ông Lợi nhận xét.
Biết, song chưa thể “vào cuộc” quyết liệt
Lý giải về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, hiện số tiền BHXH mà DN phải đóng được tính trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động ký giữa DN và người lao động.
Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, DN đều thỏa thuận với người lao động sẽ hạ mức tiền lương trong hợp đồng xuống mức tối thiểu, chỉ cao hơn khoảng 10% so với lương tối thiểu để tránh vi phạm Bộ luật Lao động, và bù thu nhập cho nhân công bằng các loại phụ cấp khác, như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp ăn trưa...
Do áp lực cần việc làm, dù đều biết như vậy thì mức đóng BHXH sẽ thấp, ảnh hưởng đến các quyền lợi bảo hiểm của mình, nhưng phần lớn lao động vẫn phải chấp nhận.
“Chính vì vậy, dù cơ quan quản lý đều biết, nhưng rất khó xử lý, bởi nếu chiểu theo luật, DN hoàn toàn không vi phạm”, ông Huân nhận xét và cho biết thêm, để giảm bớt tình trạng này, phải tăng cường khả năng thỏa thuận tiền lương của người lao động khi ký kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức công đoàn khi xây dựng thỏa ước lao động tập thể, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, một biện pháp ngăn chặn nữa là phải sớm sửa đổi Luật BHXH, làm sao để tính mức đóng BHXH bắt buộc của DN dựa trên tổng mức chi trả của DN cho mỗi lao động, thay vì chỉ dựa vào mức lương trên hợp đồng.
Đồng quan điểm, ông Đặng Như Lợi cũng cho rằng, trên thực tế, các loại phụ cấp DN trả cho người lao động, về bản chất, đều là chi phí tiền lương và phải được tính vào chi phí đầu vào của sản xuất, cộng vào giá thành sản phẩm. Như vậy, chi phí BHXH bắt buộc phải được tính trên tổng mức thu nhập, thay vì trên mức tiền lương của hợp đồng, DN sẽ hết cửa để lách luật.
“Cái khó không phải là tìm ra giải pháp. Khó nhất là các cơ quan quản lý có muốn làm quyết liệt hay không”. ông Đặng Như Lợi nhận xét.
Phan Long
Đầu tư
|