Thứ Tư, 11/09/2013 22:43

Gian nan thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Tình trạng chây ì, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang có chiều hướng gia tăng ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, ngoài nguyên nhân do kinh tế khó khăn, còn có những nguyên nhân từ kẽ hở của pháp luật khiến tình trạng nợ đọng càng thêm nghiêm trọng.

Nhiều biện pháp mới, kiên quyết hơn nhằm giải quyết vấn đề này đã được đưa ra trong dự thảo luật BHXH đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội.

Phạt nhẹ hều

Sau khi khởi kiện hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nợ BHXH hàng chục tỉ đồng và kéo dài nhiều năm là Công ty CP gỗ mỹ nghệ Phan Nam và Công ty Xây dựng Khánh Hòa, mặc dù đã có quyết định của tòa án nhưng BHXH tỉnh Bắc Giang vẫn không thể thu hồi được khoản nợ BHXH do các doanh nghiệp này không còn tài sản để thi hành án.

Hơn nữa, BHXH thành phố Hà Nội mới đây cũng tiến hành thanh tra, rà soát 68 doanh nghiệp thuộc danh sách ”đen” nợ BHXH kéo dài. Tuy nhiên, có đến 50 doanh nghiệp dù đăng ký tên, địa chỉ trên hồ sơ tham gia BHXH, nhưng khi kiểm tra thực tế thì những doanh nghiệp này không còn tồn tại, hoặc không thể tìm được địa chỉ do doanh nghiệp cung cấp sai địa chỉ.

Đây chỉ là hai ví dụ điển hình về những khó khăn khi thu hồi nợ BHXH. Theo bà Huỳnh Thị Mai Phương, phó giám đốc BHXH thành phố Hà Nội, nợ BHXH trên địa bàn thành phố ngày càng tăng về cả số đơn vị, số lao động và số tiền. Nếu như năm 2010, số nợ BHXH là 555 tỉ đồng, chiếm 6% số phải thu thì đến năm 2012, số nợ này là 1.803 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2010, chiếm 11% số phải thu. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, số nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội đã hơn 1.878 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2010 đến nay, BHXH thành phố đã khởi kiện ra tòa án đối với 152 đơn vị với tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện là hơn 187 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi tòa án tiến hành xét xử thì số tiền thu về cũng không nhiều, chỉ 43,176 tỉ đồng, đạt 23% số phải thu.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm nay, số nợ đóng BHXH trên toàn quốc là 6.368 tỉ đồng, chiếm gần 8% số phải thu trong năm 2013.

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên kết quả thu được sau khi có biên bản kiểm tra chưa cao. Hơn nữa, việc chiếm dụng quỹ BHXH đơn giản hơn nhiều so với việc đi vay ngân hàng như không cần giấy tờ, không cần thế chấp... nên dù lãi suất ngân hàng đã giảm gần ngang bằng phạt chậm nộp BHXH nhưng tình trạng chậm nộp vẫn gia tăng.

Mặc dù cuối tháng 8 vừa rồi, Chính phủ đã ra Nghị định 95/2013/NĐ-CP, trong đó có quy định phạt theo tỷ lệ từ 18-20% tổng số tiền phải đóng BHXH nhưng mức phạt tối đa chỉ là 75 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc BHXH TPHCM, nơi có số nợ BHXH luôn chiếm trên 20% số nợ BHXH cả nước, cho hay mức phạt trên chưa đủ sức răn đe.

Muốn phạt nặng

Trong dự thảo luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào giữa năm 2014 và thông qua vào cuối năm 2014 có nhiều điểm mới, đặc biệt là nhiều quy định khắt khe hơn đối với những hành vi nợ BHXH.

Cụ thể tại khoản 3, điều 119 có quy định doanh nghiệp nợ BHXH từ 30 ngày trở lên ngoài việc phải đóng số tiền chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi bằng 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH của năm trước liền kề và bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng.

Hơn nữa, trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền nợ và lãi của số tiền này.

Ngoài ra, tại khoản 7, điều 21 của dự thảo luật BHXH lần này còn bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm phát luật về BHXH.

Tuy nhiên, theo đề xuất của BHXH TPHCM, đối với các doanh nghiệp có hành vi phạm pháp luật BHXH gây thiệt hại đáng kể cho xã hội được quy định tội danh trong Bộ luật Hình sự thì cần có hình thức xử phạt bổ sung là không cho phép chủ sử dụng lao động được làm công tác quản lý điều hành doanh nghiệp hoặc không được thành lập doanh nghiệp mới có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Phía BHXH thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị nợ đọng giãn nộp thuế để ưu tiên hạch toán BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời BHXH thành phố Hà Nội cũng đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị với Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế khi thực hiện quyết toán thế phải có thông báo kết quả đóng BHXH của cơ quan BHXH căn cứ được tính là chi phí hợp lý của doanh nghiệp, coi như một chế tài bổ sung trong công tác thu hồi nợ đọng.

Thùy Dung

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Vốn 1.000 tỷ đồng mới được kinh doanh bảo hiểm hưu trí (10/09/2013)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang “sa lầy” (06/09/2013)

>   Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung: Cần lộ trình phù hợp (05/09/2013)

>   Quỹ BHYT: Tiền thừa, vẫn kêu khó! (01/09/2013)

>   Giả mạo hồ sơ bảo hiểm có thể bị phạt 100 triệu (11/09/2013)

>   Tranh chấp bồi thường Bảo hiểm Bảo Việt: Tòa chia trách nhiệm 70:30 (28/08/2013)

>   Chậm nộp bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt 75 triệu (28/08/2013)

>   DN triển khai bảo hiểm hưu trí phải có vốn 1.000 tỷ đồng (28/08/2013)

>   Phó Thống đốc: Chính sách BHTG sẽ điều chỉnh một số nội dung (22/08/2013)

>   Đề xuất thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung từ tháng 1/2014 (19/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật