TP. Hồ Chí Minh: Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc đổi mới cơ cấu kinh tế TP.Hồ Chí Minh không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà cần phải phát huy mọi nguồn lực từ nhân dân, mà phương thức quan trọng là hình thức đầu tư hợp tác công – tư. Trong thời gian tới, cần phát huy và mở đường cho phương thức này phát triển mạnh hơn nữa.
Ngày 30/8/2013, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình phát triển kinh tế thành phố trong 3 năm (2011-2013) và những giải pháp trọng tâm đến năm 2015.
Ngã tư Hàng Xanh, một trong những công trình đầu tư TPP của TP. Hồ Chí Minh
|
Tốc độ tăng GDP gấp 1,8 lần so với cả nước
Nhận định chung, TP.Hồ Chí Minh vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa, đối ngoại rất lớn của cả nước. Những năm qua, thành phố luôn là nơi đi đầu trong việc có sáng kiến, đổi mới đề nghị với Trung ương để tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường. Do vậy, việc đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 3 năm qua của Thành phố rất quan trọng. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, Thành phố đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế và duy trì đà phát triển kinh tế như: giảm nhanh lãi suất, miễn, giảm, gia hạn các loại thuế cho DN và đẩy mạnh xuất khẩu…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: trong 3 năm qua, thành phố đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, ngân hàng. Cũng trong thời kỳ này, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố là 9,5%, gấp 1,8 lần so với bình quân của cả nước (5,5%).
Thành quả đó tiếp tục được phát huy trong năm nay (2013), mặc dù nhiều khó khăn nhưng trong 8 tháng đầu năm 2013, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 150.621 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán và tăng 9,3% so với cùng kỳ; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 389.377 tỷ đồng, tăng 12,2%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,26% so với tháng 12/2012; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,8 tỷ USD; tổng vốn huy động trên địa bàn đến đầu tháng 8 đạt 1.053.510 tỷ đồng, tăng 10,3%, trong đó dư nợ tín dụng đến đầu tháng 8 đạt 896.693 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Khu vực có đóng góp to lớn vào GDP của Thành phố là thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính trong 3 năm từ 2011-2013, tổng số DN được cấp giấy phép thành lập mới đạt 92.640 DN, tổng số DN đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh là 132.175 DN với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung hơn 1 triệu tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng có tính thị trường hơn: khu vực kinh tế tư nhân chiếm 55,4%, kinh tế có vốn nước ngoài chiếm 24,6% và kinh tế nhà nước chiếm 20%. Điều đó cho thấy thành phố đã phát huy được tiềm năng và nguồn lực trong dân và nguồn lực từ nước ngoài.
Trong định hướng đến năm 2015, GDP của thành phố tăng trưởng bình quân ở mức 10%-10,5% và cao hơn 1,5 lần so với cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 4.800 USD/năm. Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, vấn đề an sinh xã hội luôn được thành phố chú trọng, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp hằng năm là 0,1%, để đến năm 2015 tỷ lệ này giảm 4,5%; Xây dựng một chính quyền hiệu quả, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và xây dựng bộ máy chính quyền đô thị để trở thành đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, thành quả đổi mới cơ cấu kinh tế thành phố trong 3 năm qua rất đáng trân trọng và học hỏi. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh cần giám sát chặt chẽ xem hoạt động của DNNN đang đi theo hướng nào, quản trị của DNNN có phù hợp với thực tế hay không? Làm thế nào để thay đổi thực sự quản trị, giám sát của DNNN, làm sao sửa cơ chế để chính sách đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp để đến 2015 cơ bản hoàn thành.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc cổ phần hóa DNNN sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại những DNNN, trừ những DNNN trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hay những DNNN trong lĩnh vực mà cần phải có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định thị trường. Do đó, việc đổi mới cơ cấu kinh tế không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà cần phải phát huy mọi nguồn lực từ nhân dân, mà phương thức quan trọng là hình thức đầu tư hợp tác công – tư (TPP). Trong thời gian tới, cần phát huy và mở đường cho phương thức này phát triển mạnh hơn nữa.
Một điều quan trọng hiện nay là vốn bơm ra nền kinh tế đang chậm. Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp với các TCTD trên địa bàn giải quyết vấn đề nợ xấu, có thể xem xét khoanh nợ, nếu không ngân hàng sẽ không dám cho vay ra đối với nhiều doanh nghiệp còn vướng nợ. Trong tình hình khó khăn hiện nay thì hình thức “nuôi nợ để đòi nợ” là khả thi nhất, vì nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó sống được.
Bên cạnh đó, việc xử lý tồn kho bất động sản cần giải quyết rốt ráo cũng như ổn định hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới đây tuy gây phản ứng ban đầu, nhưng nguyên tắc là phải điều chỉnh giá theo thị trường mới thực hiện đổi mới được, chứ không thể bao cấp giá mãi và sẽ điều chỉnh vào thời điểm phù hợp.
Với những kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về sắp xếp đổi mới DNNN, về thu-chi ngân sách, miễn giảm thuế cho đối tượng tham gia thực hiện chương trình an sinh xã hội… Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ xem xét và sẽ có định hướng phù hợp với sự phát triển của thành phố.
Quang Anh
Thời báo ngân hàng
|