Nên dứt DNNN khỏi các bộ
Khu vực kinh tế nhà nước đóng góp tới 27% GDP nhưng hiệu quả hoạt động không xứng với tầm vóc và đặc quyền hiện có. Trong khi đó, suốt 20 năm qua, mô hình để quản lý tốt khu vực kinh tế này vẫn chưa có.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đề xuất Chính phủ 2 mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một là, thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ. Hai là, bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ở các DNNN công ích hoặc nhỏ hơn do UBND cấp tỉnh, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. Trong 2 phương án, Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án 1. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của đông đảo giới, ngành vì chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN đã được đề ra từ 20 năm nay nhưng đến nay vẫn còn... bàn thảo.
Quản lý DNNN cần được tổ chức lại. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Thép Thủ Đức thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam. Ảnh: HỒNG THÚY
|
Mô hình “siêu ủy ban” có nhiều ưu điểm
Mô hình thành lập một Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN, theo phân tích của Bộ KH-ĐT là có nhiều ưu điểm. Trong đó, quan trọng nhất là khắc phục được hạn chế do chưa tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mô hình quản lý này cũng có ưu điểm là chuyên nghiệp hóa bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở nhà nước, bảo đảm nắm bắt được thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp này, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các công việc liên quan và vấn đề phát sinh. Đặc biệt, mô hình này sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác.
Cùng quan điểm với Bộ KH-ĐT, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho rằng cần thiết phải lập Ủy ban Quản lý DNNN trực thuộc Chính phủ để quản lý khu vực DNNN, không để doanh nghiệp nào trực thuộc bộ, ngành, địa phương, trừ doanh nghiệp công ích. Nhiệm vụ của ủy ban này là tiếp tục thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu DNNN - 1 trong 3 trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế. “Tôi kiên định với đề xuất lập Ủy ban Quản lý DNNN từ rất lâu vì như thế mới giải quyết được vấn đề tách quản lý nhà nước ra khỏi nhiệm vụ kinh doanh, sắp xếp tổng thể khu vực DNNN” - TS Trần Du Lịch nói. Về lo ngại không đủ cán bộ có năng lực chuyên sâu, có trình độ, am hiểu chuyên ngành để quản lý, giám sát, ông Trần Du Lịch cho rằng đây không phải mối lo vì ủy ban chỉ làm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước, còn lĩnh vực kinh doanh đã có chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ này do HĐQT làm; bộ trưởng không có nhiệm vụ phải đi từng doanh nghiệp giải quyết việc này việc kia mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Theo ông Lịch, đây là chủ trương từ Đại hội Đảng lần thứ IX nhưng không thực hiện được vì bộ nào cũng muốn giữ DNNN trực thuộc, không muốn buông.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng phương án 1 sẽ khắc phục được tình trạng các bộ vừa đá bóng vừa thổi còi, đồng thời xây dựng được bộ máy đủ quyền lực, bảo đảm quản lý DNNN xuyên suốt, thống nhất về tài chính, nhân sự, chức năng kinh doanh, vai trò kinh tế. Mô hình này cũng khắc phục được tình trạng cơ quan quản lý ưu ái doanh nghiệp trực thuộc khiến hiệu quả quản lý không tốt.
Cổ phần hóa triệt để mới quản được
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh lo ngại sẽ “đẻ” ra một siêu bộ quản lý DNNN trong khi chưa rõ hiệu quả sẽ ra sao. “Lập ra một siêu cơ quan, liệu có gì mới so với trước không? Tôi cho rằng cần phải xem xét vì số lượng DNNN quá lớn, vượt khỏi khả năng quản lý của một cơ quan như vậy. Kinh nghiệm thế giới là chỉ quản lý hiệu quả khi số lượng doanh nghiệp hạn chế. Nếu không giảm bớt DNNN, sinh ra một siêu cơ quan quản lý thì cuối cùng vẫn phải quay lại với công cụ hành chính” - ông Doanh đặt vấn đề.
Theo TS Lê Đăng Doanh, bất kỳ mô hình quản lý nào cũng phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) triệt để DNNN, nhà nước chỉ giữ cổ đông đa số ở ngành chiến lược, doanh nghiệp công ích cần thiết. Khi được CPH, chính cổ đông và ban kiểm soát nội bộ doanh nghiệp sẽ kiểm soát, chế định lẫn nhau và khi đó, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mới hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh lại đề xuất một mô hình khác. Theo đó, Ủy ban Cải cách DNNN nên là cơ quan điều phối giám sát chung. Dưới ủy ban này có các tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước như mô hình SCIC hiện nay để quản lý vốn tại DNNN. SCIC là một doanh nghiệp, lập ra để giám sát vốn tại DNNN, thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp yếu kém và duy trì vốn ở doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ. Mỗi ngành nghề hoặc lĩnh vực công ích có một SCIC quản lý vì khu vực kinh tế nhà nước đang quá lớn, chiếm đến 27% GDP nên chỉ một ủy ban thì không đủ sức quản lý. Khi các SCIC dần thoái vốn tại các doanh nghiệp, đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước giảm còn 10%-15% GDP thì giải tán Ủy ban cải cách và sáp nhập các SCIC thành một tổng công ty.
DNNN còn quá nhiều!
Năm 2000, số lượng doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước lên đến 5.655 doanh nghiệp và giảm xuống 1.038 doanh nghiệp sau 12 năm thực hiện CPH. Hiện nay, số lượng DNNN còn lớn, gồm hơn 1.000 DNNN nắm 100% vốn điều lệ và hơn 1.200 doanh nghiệp khác có cổ phần, vốn góp của nhà nước, hoạt động trong các ngành quan trọng và có mặt ở hầu hết các địa bàn trên cả nước.
|
Tô Hà
Người lao động
|