Vốn đang vào sản xuất
Sức mua bắt đầu nhích lên, lãi suất ở mức thấp...là một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp bắt đầu mở rộng sản xuất, thành lập mới doanh nghiệp để đón đầu cơ hội làm ăn. Đặc biệt, những doanh nghiệp đình đốn trước đây đã trở lại sản xuất.
Bức tranh kinh tế tám tháng đầu năm đã có những điểm sáng. Theo thống kê trong tám tháng đầu năm, cả nước có hơn 52.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Tận dụng vốn rẻ
Nhận thấy cơ hội làm ăn, đặc biệt sau khi kết nối được với nhiều bạn hàng mới, ông Bùi Thế Hùng, tổng giám đốc Công ty CP VRG Khải Hoàn (Bình Dương), mới đây đã quyết định tăng vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng. Đứng trước khu nhà máy đang hoạt động với hàng ngàn công nhân, ông Hùng cho hay số vốn đầu tư thêm xấp xỉ 98 tỉ đồng, đưa tổng số vốn của nhà máy hiện lên 290 tỉ đồng. “Việc tăng vốn lần này nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ngoài mua thêm máy móc thiết bị, phần còn lại chúng tôi bổ sung vào vốn lưu động” - ông Hùng cho biết.
Quay lại hoạt động
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong quý 2-2013 số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã trở lại hoạt động tăng dần qua từng tháng. Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm 2013 có khoảng 8.300 doanh nghiệp trở lại hoạt động, năm tháng là khoảng 8.800 doanh nghiệp và sáu tháng có khoảng 9.300 doanh nghiệp.
Riêng trong tháng 7, có 750 doanh nghiệp ngừng sản xuất trở lại hoạt động, tăng 42,6% so với tháng 6-2013 (526 doanh nghiệp). Còn trong tháng 8 cả nước có thêm 581 doanh nghiệp ngừng hoạt động trở lại hoạt động...
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8-2013 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.705,9 ngàn tỉ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012.
|
Với việc tăng vốn lần này, công suất của nhà máy tăng từ 120 triệu sản phẩm găng tay y tế/tháng lên 160 triệu sản phẩm/tháng. Chưa dừng lại, ngoài mở rộng nhà máy hiện hữu, Công ty Khải Hoàn còn quyết định thành lập mới Công ty Găng Tay Việt với tổng vốn hơn 10 triệu USD với 12 chuyền sản xuất, đáp ứng thêm 100 triệu sản phẩm/tháng. Hiện công ty mới đang được gấp rút san lấp mặt bằng để khởi công xây dựng.
Sức mua trên thị trường bắt đầu cải thiện nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng sản xuất, tăng đầu tư. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng như sữa tắm, dầu ăn, nước đóng chai, sản phẩm may mặc..., trong quý 2-2013 Công ty CP liên doanh Sana WMT (ASA) đã phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng.
Theo HĐQT ASA, công ty sẽ dùng 15 tỉ đồng để mở rộng mạng lưới bán hàng, tiếp thị và quảng cáo sản phẩm; 25 tỉ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động, tăng cường dự trữ hàng hóa; 30 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị cho các nhà máy sản xuất nước giặt, dầu ăn, sữa, sữa chua... Đây là những mặt hàng chiến lược bán tại thị trường nông thôn trong nước và xuất khẩu sang Cuba, mang lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Mới đây, theo báo cáo tài chính đã được soát xét, ASA đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Sáu tháng đầu năm 2013, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 161,46 tỉ đồng, tăng 72,38% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 48,43%.
Tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM vào những ngày cuối tháng 8-2013, cảnh doanh nghiệp ra vào nhộn nhịp trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới và tăng vốn đầu tư đang tăng dần hằng tháng. Theo một chuyên viên phụ trách phòng đăng ký kinh doanh tại đây, lượng hồ sơ doanh nghiệp đổ về nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh nghiệp thành lập mới vẫn chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ nhưng lượng vốn doanh nghiệp đổ vào sản xuất đang dần được cải thiện.
Chú trọng vốn và đầu ra
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong sáu tháng đầu năm, đặc biệt từ quý 2 năm nay, đã có sự chuyển biến khá tích cực trong khu vực doanh nghiệp. Lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, trong khi đó số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động giảm dần. Cụ thể, trong tám tháng cả nước có hơn 52.000 doanh nghiệp thành lập mới, chỉ trong sáu tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với sáu tháng cuối năm 2012 thì số doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng đầu năm nay tăng 15,5%...
Đặc biệt, riêng quý 2-2013 có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 23.201. Đây là con số cao nhất trong hai năm qua, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 41,8% so với quý 3-2012.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, dù cơ hội làm ăn sản xuất còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với doanh nghiệp, điều cần nhất hiện nay cho các doanh nghiệp trong nước là đầu ra và việc tiếp cận vốn vay. Ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa, phó giám đốc Công ty CP Sáng Tạo Công Nghiệp (Q.12), cho rằng hiện nay việc tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất đã “dễ thở” hơn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh tay vay vì đầu ra còn èo uột. Đây chính là nút thắt trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Bà Nguyễn Ngọc Phương, giám đốc Công ty cổ phần yến sào Nam Việt, cho biết dù mới thành lập được hơn một năm nhưng công ty đã có kế hoạch mở chi nhánh ở TP.HCM nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực phía Nam. Thành lập đầu năm 2012 khi kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập nhiều người giảm sút nhưng bà Phương khẳng định đã chọn đúng thời điểm khởi nghiệp: “Để tham gia và tạo được chỗ đứng trên thị trường phải mất 1-2 năm. Bắt đầu thời điểm đó, sang năm 2013, 2014 tiếp cận được thị trường và mở rộng kinh doanh là vừa kịp đón đầu cơ hội tăng trưởng”. Dựa vào phân tích đó, bà Phương quyết định sẽ bán 30% cổ phần của công ty, dùng nguồn vốn đó để bổ sung hoạt động kinh doanh. “Công ty chúng tôi thành lập ban đầu với vốn điều lệ chỉ 1,9 tỉ đồng, hiện nay cơ hội sản xuất kinh doanh thấy khá rõ nét. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận vốn và đầu ra là hai thứ cần được chú trọng hơn bao giờ hết” - bà Phương nhấn mạnh
Tương tự, sau nhiều năm chuẩn bị, mới đây ông L.T.T., giám đốc Công ty TNHH may TV (Củ Chi), đã hoàn thành xong xưởng may của riêng mình với số nhân công chưa tới 150 người. “Sau hai năm chuẩn bị, đến thời điểm này chúng tôi quyết định thành lập công ty để đón cơ hội đang đến. Dù công ty nhỏ nhưng tôi tin mình sẽ duy trì được việc làm thường xuyên cho anh em làm việc ở đây” - ông T. hồ hởi. Xác định chỉ nhận đơn hàng của những doanh nghiệp quen biết lâu nay đặt lại gia công, ông T. nói trước mắt chỉ cần công nhân của ông sản xuất hàng làm theo mẫu đúng chuẩn với chất lượng may thật tốt là thành công rồi.
Ở lĩnh vực da giày, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cho biết có những dấu hiệu ủng hộ tích cực từ các nước đàm phán trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Có thể ngành da giày VN sẽ thu hút thêm một lượng lớn đầu tư bởi hiệu quả có thể mang lại từ TPP” - ông Kiệt nhận định.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi những thông tin từ cái nôi sản xuất giày lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang dần bộc lộ nhiều bất lợi nếu so với môi trường sản xuất lẫn yếu tố đầu tư ngày một hấp dẫn hơn đang có ở VN, mà ở đó yếu tố TPP gần như đang giữ vai trò chi phối khá lớn. Theo tính toán của ông Kiệt, dự kiến năm nay và các năm tiếp theo năng lực sản xuất của ngành da giày sẽ tăng thêm 10-20% so với quy mô hiện tại, do phần lớn doanh nghiệp đều có chủ đích tăng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày một tăng cao trong tương lai.
Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, số doanh nghiệp thành lập mới đang tăng lên trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy những người có tiền bắt đầu bỏ vốn vào hoạt động đầu tư. Đây là một tín hiệu đáng khích lệ. Mặc dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những doanh nghiệp có sự sáng tạo, tìm được thị trường tiêu thụ mới, phân khúc mới có thể mở rộng hoạt động. Cơ hội trên thị trường là có thật. Nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều nhóm mặt hàng vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, do thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp đình đốn, doanh nghiệp “chết” nên tâm lý của người tham gia thị trường ở thời điểm này vẫn còn dè dặt, thận trọng. Mặt khác, việc tiếp cận các nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy để thu hút đầu tư, hỗ trợ và tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp, Chính phủ cần phải cải cách mạnh mẽ về thể chế chính sách, thủ tục hành chính..., chặn đứng đà giảm về năng lực cạnh tranh của VN.
|
Đình Dân - Trần Vũ Nghi - Bạch Hoàn
Tuổi trẻ
|