TECHNICAL VIEW
Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 03 – 06/08/2013
Chiến lược đầu tư và Phân tích kỹ thuật chuyên sâu thị trường chứng khoán Việt Nam theo Phòng Nghiên cứu Vietstock.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
VN-Index – SMA 200 đang trụ vững. VN-Index có một tuần giao dịch đầy biến động khi mà chỉ số liên tục giảm mạnh trước động thái bán mạnh của khối ngoại. Điều này thể hiện qua sự đi xuống ngày càng sâu của đường EMA 5 ngày của chỉ số NetValForHOSE(*). Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì khó có thể kỳ vọng một sự phục hồi của VN-Index trong ngắn hạn.
VN-Index có nguy cơ xuyên thủng hoàn toàn đường trendline ngắn hạn (đồng thời cũng là neckline dự kiến của mẫu hình Head & Shoulder). Như vậy, mẫu hình Head & Shoulder sắp hoàn thành và giá mục tiêu sẽ xuống đến vùng 410 – 420 điểm. Đây là dạng mẫu hình đảo chiều có độ tin cậy rất cao ở thị trường Việt Nam nên nguy cơ giảm sâu của VN-Index đang tăng lên.
SMA100 (tương đương vùng giá 490 - 500 điểm) cùng với Fibonacci Retracement 23.6% đã bị phá vỡ. Đường SMA200 (tương đương vùng 469-470 điểm) đang trụ vững trước đà giảm của VN-Index. Tuy nhiên, nếu VN-Index tiếp tục giảm trong các phiên tới và phá vỡ SMA 200 thì tín hiệu này có thể đánh dấu sự chấm dứt của đà tăng giá trung hạn.
Khối lượng khớp lệnh cũng giảm mạnh trở lại và đang duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 42 triệu đơn vị/phiên) cho thấy lực cầu đang yếu đi do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường.
(*) NetValForHOSE: Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE
HNX-Index – Chuẩn bị test lại nhóm MA ngắn hạn và trung hạn. Theo báo hiệu từ nhóm Market Strength thì bên bán vẫn đang chiếm ưu thế lớn nếu xét trong 5 phiên gần nhất. Cụ thể là EMA 5 ngày của chỉ số VS-Arms HNX đang duy trì mức 1.83, mức cao của chỉ số này.
HNX-Index đã hồi phục trở lại vào cuối tuần sau nhiều phiên giảm sâu và chuẩn bị test lại nhóm MA ngắn hạn và trung hạn (SMA100, EMA 20, EMA 10). Nếu có thể phá vỡ được nhóm này thì nguy cơ giảm sâu sẽ giảm bớt và HNX-Index có thể tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Còn nếu thoái lùi trở lại thì triển vọng ngắn hạn sẽ tiếp tục xấu đi.
Trendline ngắn hạn sẽ là kháng cự của HNX-Index trong các phiên đầu tuần sau. Thanh khoản trồi sụt khá thất thường quanh mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 16 triệu đơn vị). Điều này chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định và việc mua vào mạnh chưa được ủng hộ.
VS-Market Strength: VS-Arms VN tính cho cả hai sàn ngày 30/08/2013 đạt giá trị 0.49 chứng tỏ Bên mua chiếm ưu thế trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 2.29 cho thấy Bên bán chiếm ưu thế nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-B/SORD VN (chỉ số Buy Order/Sell Order tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang ở mức trung bình (cụ thể là 1.08) cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua khá cân bằng so với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán trong phiên cuối tuần ngày 30/08/2013.
EMA 5 ngày của VS-B/SORD VN đạt mức 0.87 cho thấy Tổng khối lượng của các lệnh đặt mua đang khá cân bằng so với Tổng khối lượng của các lệnh đặt bán nếu tính trong 5 phiên gần đây.
VS-LBR VN (chỉ số Large Block Ratio tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX) đang duy trì ở mức 62%, cho thấy nhà đầu tư lớn không tham gia mạnh trong phiên cuối tuần.
EMA 5 ngày của VS-LBR VN đang ở mức 61%. Đây là mức trung bình và nó cho thấy các nhà đầu tư lớn không tham gia mạnh vào thị trường, nếu tính trung bình 5 phiên vừa qua.
II. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Mô hình đã bớt thận trọng
Cung cầu: Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX trong tuần qua là -10.47 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 663 lệnh. Trung bình lệnh mua (5,229 đơn vị/lệnh) nhỏ hơn so với trung bình lệnh bán (5,447 đơn vị/lệnh).
Trên HOSE, chênh lệch khối lượng mua bán là 9.07 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua lớn hơn số lệnh đặt bán 13,177 lệnh. Trung bình lệnh mua (2,290 đơn vị/lệnh) cũng nhỏ hơn so với trung bình lệnh bán (2,475 đơn vị/lệnh).
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX hiện nay là: 50.55% cash/ 49.45 stocks. Tỷ trọng cổ phiếu trên HNX tăng lên mức trung bình cho thấy quan điểm thận trọng đã giảm bớt sau những phiên giảm mạnh.
HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 37.08% cash/ 62.92% stocks. Tỷ trọng cổ phiếu trên HOSE có dấu hiệu tăng trở lại và duy trì mức khá cao chứng tỏ mô hình đã bớt thận trọng.
Minh Hằng ghi
infonet
|