"Mục tiêu kiềm chế lạm phát 8% là có thể đạt được"
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng mạnh lên mức 1,06%, theo đó CPI chín tháng tăng 4,63% so với tháng 12/2012 đồng thời khiến dư địa của những tháng cuối năm trở nên hạn hẹp hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục kiên trì các biện pháp kiểm soát lạm phát chặt chẽ như hiện nay thì dự báo khả năng chỉ số CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Phó giáo sư, tiến sỹ kinh tế Ngô Chí Long nhấn mạnh, tháng 9 là thời điểm tựu trường, nên sức tiêu thụ đồ dùng phục vụ học tập tăng đột biến cộng thêm với quyết định tăng học phí tại một số địa phương đã đẩy chỉ số giá tại nhóm giáo dục vọt lên 9,38% [nhóm giáo dục chiếm khoảng 5,7% trong rổ hàng hóa tính CPI].
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, mức tăng CPI tháng 9 chỉ vượt nhẹ so với các mức dự báo trước đó là 0,8%-0,1% (trong điều kiện có sự điều chỉnh học phí) và về cơ bản là có thể chấp nhận được.
Nhìn nhận tổng thể, bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định, về cơ bản mục tiêu kiềm chế lạm phát đề ra là có thể đạt được, song vẫn phải thận trọng với những yếu tố bất thường như thiên tại, dịch bệnh...
Đại diện của Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam cũng chỉ ra thêm yếu tố tiềm ẩn làm gia tăng CPI ở ba tháng cuối năm là khả năng một số địa phương sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế lên một mức nhất định.
“Nhưng sức mua từ nay đến cuối năm vẫn rất yếu, thêm vào đó giá hàng hóa nhập khẩu, tỷ giá và lãi suất hiện khá ổn định mà đây là những yếu tố giữ chân lạm phát,” ông Thỏa nói.
Nói thêm về sức mua trên thị trường, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đưa ra minh chứng, “tám tháng 2013 tổng mức bán lẻ tăng 5%, trong khi cùng kỳ 2012 là 6,2%. Hiện, giá trị trung bình của các giỏ mua hàng tại các siêu thị đã giảm xuống mức khoảng 220.000 đồng-210.000 đồng/giỏ hàng, so với trước đây là bình quân khoảng 270.000 đồng/giỏ hàng.”
Theo đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội, mức hàng tồn kho hiện nay vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa dường như vẫn đứng giá và thậm chí là một số mặt hàng thiết yếu như sữa, nước, dịch vụ y tế… có chiều hướng tăng, do đó giải pháp ngắn hạn thay vì "trọng cung" thì Chính phủ nên kích cầu.
“Kích cầu ở đây không phải là tăng cung tiền, mà sử dụng các giải pháp đồng bộ như giảm thuế tiêu dùng (VAT), khuyến khích các nhà sản xuất giảm giá bán hàng, tăng số lượng việc làm, chống buôn lậu thương mại (hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế…), chống tham nhũng lãng phí tài sản công…,” ông Phú đề xuất.
Mặc dù đồng tình với những nhận định trên, song ông Long vẫn quan ngại, kinh nghiệm các tháng cuối năm sức mua bao giờ cũng tăng cao đồng thời các hoạt động đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch năm sẽ làm tăng khối lượng giải ngân, thêm vào đó là các yếu tố bất thường như thiên tai, dịch bệnh... khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 8% sẽ gặp nhiều thách thức.
Linh Chi
Vietnam+
|