Ba phần tư cỗ máy tăng trưởng đang trục trặc
Cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có bốn động cơ, thì chỉ có một đang hoạt động.
Chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam
|
Đây là nhận định được ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra tại tham luận liên quan đến đầu tư công, tại hội thảo về định hướng sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Ninh Bình trong hai ngày 23 và 24/9.
Bốn động cơ tăng trưởng được phân tích tại đây gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo ông Thành, trong những năm 2001 - 2006, khu vực FDI và tư nhân trong nước bắt đầu phát triển mạnh, ngành nông nghiệp cũng hoạt động tốt. Khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng trưởng mạnh, nhưng sự kém hiệu quả chưa dẫn tới đổ vỡ và cũng chỉ là một trong bốn động cơ tăng trưởng.
Còn tình hình hiện nay, ông Thành đánh giá, cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp đều trục trặc. Chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam.
Phân cực giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng được thể hiện qua nhiều con số tại bản tham luận.
Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu (theo giá danh nghĩa USD) 8 tháng năm 2003 của kinh tế trong nước là 3,1%, FDI kể cả dầu thô là 21,6% và không kể dầu thô là 26%.
Còn tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (theo giá danh nghĩa VND) cũng trong 8 tháng của năm 2013 của nhà nước âm 6,7% còn tư nhân trong nước là 14,2% và FDI đạt 37,5%.
Kết quả tốt của “động cơ” duy nhất đang hoạt động được ông Thành lý giải là do các doanh nghiệp FDI dựa chủ yếu vào thể chế ở bên ngoài để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống luật pháp chi phối các quan hệ hợp đồng, bộ máy quản trị doanh nghiệp, liên kết sản xuất và tín dụng cũng đều từ bên ngoài và của nước ngoài.
Liên quan đến các động cơ của cỗ máy tăng trưởng theo cách nói của ông Thành, bản tin kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội được phát hành cùng thời điểm với hội thảo nói trên cũng đưa ra một số nhận định gần gũi.
Theo đó, không chỉ có khu vực nông lâm nghiệp thủy sản mà cả công nghiệp và xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt mức tăng trưởng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ trong giai đoạn 2010 – 2013.
Nhìn vào hiện tại kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ, bản tin cũng dự báo những tháng còn lại của năm 2013 và những năm tiếp theo triển vọng kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Một trong những khuyến nghị chính sách được nhấn mạnh tại bản tin là thực hiện chiến lược thu hút FDI có tiềm năng tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và kỹ năng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, trong hàm ý chính sách về thu ngân sách được thể hiện tại tham luận cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm, duy trì hoạt động thu ngân sách ở mức 20 -21% GDP (trong 2014 - 2015).
Và, nếu FDI là động cơ tăng trưởng chính trước sự suy yếu của ba động cơ còn lại thì cần đẩy mạnh quản lý thu thuế từ doanh nghiệp khối này.
Nếu xu thế sản xuất công nghiệp suy giảm tăng trưởng và dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng hơn thì đẩy mạnh quản lý thu thuế từ hoat động dịch vụ.
Nguyễn Lê
vneconomy
|