Thứ Hai, 23/09/2013 15:25

“Hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu”

Kích cầu hay kiên định ổn định kinh tế vĩ mô là câu hỏi được đặt ra tại bản tin kinh tế vĩ mô vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành sáng nay (23/9).

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý

Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng bản tin, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ đầu năm 2013 đến nay bao gồm cả những gam màu sáng tối đan xen. Điểm sáng nhất là lạm phát đã được kiềm chế hiệu quả ở mức thấp, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng, cán cân thương mại chỉ thâm hụt nhẹ trong khi cán cân tổng thể thặng dư đã tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong việc chống “đô la hóa” và “vàng hóa”.

Tuy nhiên trong ba quý đầu năm, nền kinh tế cũng chịu sự suy giảm rõ nét, phản ánh sự suy giảm của tăng trưởng tiềm năng cũng như tác động trễ của các chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ được đưa vào thực hiện trong năm gần đây.

Hiện tại, trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ và lạm phát hiện tại ở mức thấp, có một số kiến nghị đề xuất nên hướng tới kích thích nền kinh tế vì lạm phát trong nước năm 2013 ở mức thấp, bản tin nêu.

Trong dòng thời sự kinh tế từ giữa năm nay, đề xuất nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu hay tính toán một gói kích cầu mới…, dù mới chỉ nằm trong dự tính cũng đang rất được quan tâm.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp Quốc hội thứ 6, khai mạc vào ngày 21/10 tới đây, ngay từ đầu kỳ họp Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14.

Một nguồn tin của VnEconomy cũng cho biết con số phát hành thêm trái phiếu sẽ khoảng 60 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan xây dựng bản tin cho rằng, cần hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu trong thời điểm hiện tại.

Bởi, lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài.

Bên cạnh đó, môi trường làm chính sách hiện nay có quá nhiều yếu tố hạn chế và ràng buộc làm cho dư địa chính sách chưa bao giờ eo hẹp như hiện nay... Như, nợ công ở mức cao và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng, tiền lương và thu nhập tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Thêm vào đó là năng lực thiết kế và đặc biệt là thực thi chính sách còn hạn chế dẫn đến chính sách chậm được triển khai làm tăng thêm độ trễ giữa thời điểm nền kinh tế cần được kích thích với thời điểm thực sự được kích thích, dẫn đến sự sai lệch hoàn toàn kết quả so với dự tính ban đầu (kích thích khi nền kinh tế đã phục hồi hay ngược lại, thắt chặt khi nền kinh tế đã nguội lạnh).

Một lý do quan trọng nữa cho lời khuyến nghị thận trọng với kích cầu là hiệu lực và hiệu quả của chính sách, trong bối cảnh các nhóm lợi ích có khả năng tác động lên khâu thiết kế hay khâu thực thi theo hướng có lợi cho nhóm của mình, bất chấp tác hại đối với quyền lợi quốc gia.

Sau hàng loạt lý do, cơ quan xây dựng bản tin thêm một lần nhấn mạnh rằng, tuy lý thuyết cũng như thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ những can thiệp chính sách theo kiểu “nghịch chu kỳ”. Song, việc thực thi các chính sách nới lỏng để kích cầu ở Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro, do những ràng buộc quá chặt như đã nêu trên làm cho dư địa can thiệp chính sách là rất hạn hẹp vào thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, vì đây là nền tảng từ đó thúc đẩy tăng trưởng dựa trên hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu như là điều kiện cần thiết cho phát triển bền vững trong dài hạn, bản tin đưa khuyến nghị.

Ủy ban Kinh tế đã từng nhấn mạnh yêu cầu này và đề nghị coi đây phải là một “chủ thuyết phát triển kinh tế” cho Việt Nam trong “10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô” đã được VnEconomy đề cập trước đây và thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách.

Phần dự báo, bản tin nhận định, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, xu hướng cắt giảm nợ đang diễn ra ở cả khu vực doanh nghiệp cũng như hộ gia đình, dẫn đến cầu nội địa còn tiếp tục suy yếu. Cùng với sự suy yếu của ngoại cầu thì tổng cầu còn cần nhiều thời gian để hồi phục.

Trong khi đó, rủi ro về lạm phát, những bất cập mang tính cơ cấu đã làm gia tăng giá của sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn.

Bởi vậy, theo các tác giả của bản tin, việc nới lỏng các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu nhằm đạt tăng trưởng cao hơn trong ngắn hạn sẽ tạo ra rủi ro lớn về lạm phát và mất cân đối vĩ mô, làm kéo dài phương thức tăng trưởng giật cục, không có lợi cho phát triển kinh tế trong dài hạn.

Với quan điểm quá trình điều chỉnh của kinh tế Việt Nam sang một quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn sẽ cần nhiều thời gian, cơ quan xây dựng bản tin khuyến nghị cần có một tầm nhìn trung hạn đối với quá trình điều chỉnh này, thay vì quá chú ý đến những dao động ngắn hạn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu.

Nguyên Thảo

vneconomy

Các tin tức khác

>   Chi tiêu năm học mới đẩy CPI Hà Nội, TPHCM tăng nhanh (22/09/2013)

>   Hà Nội: CPI tháng 9 tăng 0,57% (21/09/2013)

>   Nửa đầu tháng 9 nhập siêu 374 triệu USD (19/09/2013)

>   WTO đánh giá cao sự thay đổi chính sách của Việt Nam (19/09/2013)

>   Thụy Sỹ giúp Việt Nam tránh “bẫy” thu nhập trung bình (19/09/2013)

>   Thụy Sĩ viện trợ cho VN hơn 2.800 tỉ đồng (19/09/2013)

>   CPI 2013 có thể không còn quy luật “2 cao 1 thấp” (16/09/2013)

>   FDI vẫn sáng (16/09/2013)

>   Vốn ODA tại Việt Nam sử dụng hiệu quả (14/09/2013)

>   Việt Nam mong IFC tiếp tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật (13/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật