Vốn ODA tại Việt Nam sử dụng hiệu quả
Sau 20 năm tiếp nhận viện trợ (từ 1993-2012), Việt Nam đã nhận được 71 tỷ USD vốn ODA từ 51 nhà tài trợ trên thế giới, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương.
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) - công trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
|
Vốn ODA tại Việt Nam sử dụng hiệu quả
Theo đánh giá của các nhà tài trợ quốc tế, vốn ODA ở Việt Nam được sử dụng khá thành công và hiệu quả. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ mô hình hợp tác sang mô hình đối tác với Việt Nam. Tính đến hết năm 2012, tổng vốn ODA mà cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam đã lên tới 71,7 tỷ USD. Tính trung bình mỗi năm Việt Nam thu hút thêm hơn 3 tỷ USD ODA từ các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, không phải hầu hết các cam kết viện trợ đều được hiện thực hóa. Đến nay, Việt Nam mới nhận 58 tỷ USD, đạt 72% giá trị cam kết và đã giải ngân được 33,4 tỷ USD trong tổng giá trị nguồn vốn viện trợ.
Cũng phải thừa nhận rằng, khoản ODA đã góp phần thay đổi bộ mặt Việt Nam. Thông qua ODA, Việt Nam đã thực hiện được nhiều công trình quan trọng. Điển hình như dự án nâng cấp Quốc lộ 1A; xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Nhật Tân; các dự án giao thông đô thị tại Hà Nội...
Khác với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA ngoài giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, còn kéo theo các cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển chính sách cho Việt Nam.
Về định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA trong thời kỳ 2011 – 2020, Chính phủ Việt Nam sắp tới sẽ tập trung vào những nhà tài trợ lớn, đặc biệt là nhóm 6 Ngân hàng Phát triển (ADB, AfD, JICA, KEXIM, KfW, WB) để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế hiện đại, cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư, các vùng và khu vực phát triển trọng điểm. |
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, nhiều nguồn vốn ưu đãi trước đây sẽ giảm đi và thay bằng phương thức tài trợ kém ưu đãi hơn đối với Việt Nam.
Vì vậy, ông Hồ Quang Minh- Nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế đối ngoại cho rằng, ODA không phải là tất cả, chỉ là chất xúc tác có thể huy động nhiều nguồn vốn khác chẳng hạn từ vốn FDI và vốn từ khu vực tư nhân…
Cần lập Nguồn vốn đối ứng
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông là hai ngành được các nhà viện trợ đặc biệt quan tâm. Lượng vốn ODA dành cho lĩnh vực này lớn nhất, chiếm tới 28%; năng lượng công nghiệp 20%; nông nghiệp phát triển nông thôn - xóa đói giảm nghèo 15%; môi trường - phát triển đô thị 14%; giáo dục đào tạo 4%; y tế - xã hội 4% và các ngành khác 15%.
Nhật Bản- là nhà viện trợ ODA lớn nhất tại Việt Nam, đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến năm 2012, đã có 18 dự án hoàn thành và 26 dự án đang triển khai. Hiện tổng vốn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam là khoảng 12 tỷ USD.
Ông Akira Shimizu- Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam rất hài lòng với hiệu quả sử dụng ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng của Nhật Bản ở khu vực châu Á cũng như trên thế giới, Chính phủ Nhật Bản sẽ không thay đổi trong việc tài trợ ODA cho Việt Nam.
Các dự án trọng điểm như nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-Nội Bài, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức-Long Thành, dự án cảng Quốc tế Hải Phòng, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội đang được triển khai. Ngoài ra, còn có dự án xây dựng 3 bệnh viện, đi kèm với hoạt động chuyển giao công nghệ tại bệnh viện khu vực miền trung và bệnh viện Chợ Rẫy tp. Hồ Chí Minh. Hỗ trợ này mang tính chất toàn diện, khoảng hơn 300 triệu USD.
Đại diện phía Hàn Quốc - nhà tài trợ ODA song phương lớn thứ 2 cho Việt Nam, cũng đánh giá cao hiệu quả sử dụng ODA Hàn Quốc tại Việt Nam những năm qua. Trong thời gian tới, Hàn Quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục chú trọng đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là định hướng vào các dự án lớn theo hình thức TPP.
Để đón dòng vốn ODA trong thời gian tới, theo ông Young Seok Kim- Trưởng đại diện Ngân hàng Korea Exim tại Việt Nam, các tổ chức Ban quản lý dự án đặc biệt là chính quyền địa phương phải lựa chọn dự án ODA có hiệu quả và tối ưu nhất. Nếu không lựa chọn ngay từ đầu tiên thì trong quá trình thực hiện dự án sẽ diễn ra nhiều cấp và làm mất rất nhiều thời gian, dẫn đến việc chậm giải ngân và tính hiệu quả không cao.
“Việt Nam cần nguồn vốn đối ứng bố trí cho các dự án này, và đặc biệt cần sự cam kết cao hơn của chính phủ Việt Nam để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng.”- ông Young Seok Kim kiến nghị.
Thu Phương
báo công thương
|