TS. Võ Trí Thành: Khủng hoảng là “thời kỳ hạnh phúc”
“Tất cả những cuộc khủng hoảng đều giúp chúng ta nhìn nhận lại cách sống, cách phát triển của cả thế giới. Tất cả đều nhận ra, đều thấy thực sự phải có một cuộc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế”, đúc kết của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới giai đoạn 2008 - 2009.
Trong câu chuyện với VnEconomy, TS. Thành cho rằng cũng có thể xem khủng hoảng chính là thời cơ, là động lực có tính chất quyết định để Việt Nam tiến một bước xa hơn trên con đường chinh phục các mục tiêu của mình.
Ông Võ Trí Thành
|
Ông nói:
- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 mà khởi xướng là sụp đổ của Lehman Brother đã lan toả mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Nhưng mặt khác, theo nghĩa nào đấy, nó cũng không hẳn là “xấu”, bởi nó buộc chúng ta phải tư duy, phải thiết kế và xây dựng lại.
Trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng đó, tôi vẫn thường nói vui rằng “đây là thời kỳ chúng ta rất hạnh phúc”.
Bởi lẽ, từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến, đã trải nghiệm nhiều cuộc khủng hoảng khác diễn ra khá dồn dập như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, sinh thái, biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường trong phát triển…
Tất cả những cuộc khủng hoảng đều giúp chúng ta nhìn nhận lại cách sống, cách phát triển của cả thế giới. Tất cả đều nhận ra, đều thấy thực sự phải có một cuộc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế.
Rủi ro và bất định vẫn cao
Ông đánh giá như thế nào về diễn biến kinh tế thế giới sau 5 năm khủng hoảng?
Tôi cho rằng, thế giới đang ở một giai đoạn quá độ, chuyển từ một nền kinh tế bóc lột, tàn phá tài nguyên, ô nhiễm môi trường chuyển dần sang một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Tất nhiên, nền kinh tế thực hiện nay cũng dễ bị tổn thương hơn bởi trong khi thị trường rất năng động, rất sáng tạo nhưng khả năng giám sát sự dịch chuyển của các dòng vốn lại rất yếu nên dễ bị đầu cơ.
Với kiểu phát triển như hiện nay, thế giới đạt được rất nhiều đỉnh cao, nhưng cũng đầy rẫy những bất công, nghèo đói, mất an ninh lương thực…
Trong câu chuyện nền tảng đó thì lại có câu chuyện trước mắt, là phải làm sao sống sót, hạn chế giảm thiểu những khó khăn, vừa tăng ổn định và phục hồi được kinh tế.
Tuy nhiên, càng làm thì người ta càng thấy rằng, việc phục hồi kinh tế không hề đơn giản.
Các báo cáo gần đây đều đánh giá, khả năng phục hồi kinh tế thế giới là khá yếu ớt trong vài năm tới. Kinh tế thế giới vẫn có thể đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là tính bất định và rủi ro vẫn rất cao.
Còn với Việt Nam thì sao, thưa ông?
Việt Nam không tránh khỏi xu hướng trên vì chúng ta là một phần của thế giới, lại đang mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng. Cho nên những cú sốc nào bên ngoài chúng ta rất dễ ảnh hưởng.
Chúng ta có những cái khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều nhưng chúng ta cũng có những lợi thế mà không phải nước nào cũng có được. Khó khăn chính là Việt Nam đã nhận ra được sức kháng cự của nền kinh tế trước các cú sốc là khá yếu, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, bất ổn vĩ mô, các cân đối lớn bị méo mó…
Khó khăn đó, ngoài sự tác động của các yếu tố khách quan, nhiều chuyên gia đều đồng tình rằng, chủ yếu là do chúng ta “lấy đá tự ghè chân mình”. Bên cạnh đó, chúng ta gặp vấn đề về cơ cấu, chất lượng tăng trưởng thấp.
Hơn nữa, dù kinh tế vĩ mô trong hai năm qua có cải thiện một chút, song cái khó của Việt Nam là mức độ rủi ro, lòng tin vào phát triển kinh tế là thấp hơn nhiều nước.
Trong khi đó, chúng ta lại phải tái cấu trúc theo xu hướng chung của thế giới, nhưng nền tảng kinh tế của chúng ta vẫn còn yếu.
Khó nữa là vấn đề về tư duy, dù đi cùng với thế giới cách đi nhưng chúng ta có những cái riêng của chúng ta, có những cái đặc thù về định hướng, văn hoá, lịch sử…
Tôi hay nói vui là chúng ta rất tham vọng, muốn một “cú ăn bốn”: vừa phải ổn định; tăng trưởng tương đối kết hợp an sinh xã hội và phục hồi dần; vừa lại muốn tái cấu trúc và thứ tư là phải hội nhập ngày càng sâu rộng.
Nhưng tiếc là, trong bối cảnh mọi cái chúng ta lại đang hạn chế.
Nói tóm lại, trong 5 năm qua, chúng ta đã ít nhiều có những sai lầm, chẳng hạn như sự hứng khởi quá đà, cách thức quản lý, đặc biệt là cho đến năm 2011. Nhưng đổi lại, chúng ta nhận thấy được rất nhiều điều, đó là chúng ta phải thay đổi.
Gói kích cầu che lấp cái đáng ra phải làm
Ông nhìn nhận thế nào về ứng xử của Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng?
Về mặt tư duy, ứng xử của Việt Nam có hai vấn đề. Khi chúng ta thấy những cơ hội, thì chúng ta có phần bị ngợp trước những lời khen về tiềm năng, mà chúng ta quên mất rằng thế giới đang chuyển mình và chúng ta cần phải chuẩn bị những vấn đề nền tảng.
Thậm chí có thời điểm chúng ta quá say sưa với những hào quang, với tăng trưởng trước mắt.
Cái sai lầm lớn nữa là công tác chuẩn bị về quản trị kinh tế vĩ mô là chưa tốt, có nhiều sai lầm. Mặc dù nghị quyết Trung ương trước đó đã đề cập tới nguy cơ bất ổn, khủng hoảng, nhưng chúng ta lại chuẩn bị chưa tốt.
Chúng ta đã đề ra 10 năm nay về cải cách thể chế, bộ máy nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn như, chúng ta bộ máy tốt phải yêu cầu cán bộ chuyên nghiệp, năng lực tốt… nhưng hệ thống động lực cho nó như thế nào chưa rõ, thậm chí là rất nhiều méo mó.
Do đó, theo tôi, để có được những kết quả thực sự, trong điều hành của mình, thông điệp mà nhà quản lý phải đưa ra phải rõ ràng, nhất quán và thông điệp đó phải được thể hiện trên thực tế về sự nhất quán của chính sách.
Cùng với đó là cải thiện năng lực giải trình, quyết đoán, quyết liệt, dám làm dám chịu trách nhiệm.
Đánh giá của ông như thế nào về gói kích cầu mà Chính phủ đã tung ra khi xảy ra khủng hoảng gần 5 năm trước?
Tôi cho rằng, cách suy tư lúc đó cũng khá đơn giản. Cuộc khủng hoảng tài chính lúc đó dẫn tới 4 điều: mất thanh khoản, tín dụng không ra được, đầu tư - tiêu dùng tư nhân giảm, và suy thoái kinh tế.
Các chính phủ nói chung đều áp dụng cách đơn giản, đó là thiếu tiền thì bơm tiền, tín dụng tắc thì nới lỏng, giảm lãi suất, nhà nước kích tiêu dùng…
Nhưng bài học đó cho thấy, quá trình phục hồi rất mong manh và rủi ro, nó không giải quyết, chữa trị được vấn đề căn cơ của rủi ro và khủng hoảng.
Gói kích cầu 2009 cũng không hẳn là không tốt vì những vấn đề an sinh xã hội, việc làm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là lợi ích của gói kích cầu và phí tổn như thế nào thì chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn.
Đúng là gói kích cầu đã làm cho tăng trưởng cải thiện hơn qua mỗi quý, tăng trưởng ổn định ở mức 5,3%. Nhưng theo các chuyên gia, giá phải trả cho gói kích cầu đó là hơi cao. Vì chúng ta bỏ ra 8 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD trợ cấp lãi suất 4%.
Nhưng theo tính toán định lượng của chúng tôi, giả sử không có gói kích cầu thì tăng trưởng cũng ở mức trên 4%. Như vậy, với 8 tỷ chưa kể giá trị khoản tín dụng đi cùng với hỗ trợ đó thì giá phải trả là khá cao, vì GDP của chúng ta khi đó chỉ khoảng dưới 100 tỷ USD.
Bên cạnh đó, gói kích cầu cũng góp phần làm tăng tính bất ổn của nền kinh tế thông qua việc cung tiền, đầu cơ tăng lên.
Đằng sau hai cái đó, nó che lấp cái đáng ra chúng ta phải làm, đó là cùng với xử lý những vấn đề ngắn hạn thì chúng ta phải bắt tay vào cải tổ xử lý những vấn đề nền tảng cho phát triển bền vững.
Chấp nhận chịu đau
Nếu đúng như dự báo, kinh tế còn khó khăn vài ba năm nữa, theo ông liệu có cần thêm gói kích cầu mới không?
Gần như chắc chắn là bây giờ chúng ta không có gói kích cầu như 2009 nữa.
Bản thân tôi cũng không thích khái niệm kích cầu, để mọi người tránh có cái nhìn như 2009. Thay vào đó, chúng ta cần thực hiện những giải pháp trong Nghị quyết 02.
Thông điệp bây giờ phải là ổn định kinh tế vĩ mô. Khi ổn định được thì dư địa tạo ra sẽ lớn hơn và theo dự địa đó chúng ta có thể có những chính sách uyển chuyển hơn để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp.
Trung Quốc hiện nay cũng đã khẳng định không có gói kích cầu, nhưng không có nghĩa là không có những có những gói nho nhỏ để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nếu nói thẳng ra, thì chúng ta phải chấp nhận chịu đau. Vấn đề còn lại là làm sao hạn chế cái đau đó. Vừa qua chúng ta làm chưa thật tốt.
Thực tế thì thời điểm hiện nay là thời điểm cực kỳ “then chốt” đối với Việt Nam. Chúng ta đã nhìn ra vấn đề, nhìn ra hướng đi. Tuy nhiên, nếu không thay đổi mạnh mẽ ngay từ hôm nay thì chúng ta vẫn cứ “làng nhàng” như thế này mãi, thậm chí là tụt hậu, bởi rủi ro rất cao. Nên nhớ rằng, trong cuộc đời, năng lực đầu cơ bao giờ cũng dễ nổi trội hơn năng lực phát triển bền vững.
Theo ông, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam liệu đã đến đỉnh?
Như đã nói trên, thế giới vẫn rủi ro bất định mà theo ước tính là trong vài năm nữa, thậm chí là đến năm 2017. Do đó, cái nhìn đối với kinh tế Việt Nam không phải là từng năm nữa, nên chúng ta chỉ mong là phục hồi dần trong 2 - 3 năm tới, chưa nói là chúng ta phải bắt tay vào cải cách, tái cấu trúc.
Tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng chỉ xoay quanh 5,3 - 5,4% và tối đa cũng chỉ 5,6%.
Trong cuộc họp của Chính phủ mới đây, tôi có phát biểu ba ý: ổn định kinh tế vĩ mô thì phải kiên trì và nhất quán, phục hồi đừng quá vội vã, và cải cách thì phải quyết liệt và mạnh mẽ. Sự đi lên của nền kinh tế là có thật, nhưng sẽ không hề dễ dàng.
Từ Nguyên
vneconomy
|