Thứ Hai, 16/09/2013 06:00

FDI vẫn sáng

Một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm này là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam liên tiếp nhận được những dự án đầu tư lớn lên đến hàng tỉ USD. Dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), chẳng hạn, vừa được điều chỉnh tăng thêm 2,8 tỉ USD vốn đầu tư, lên đến 9 tỉ USD. Samsung Electronics tiếp tục đầu tư 2 tỉ USD vào Thái Nguyên, hay Bus Industrial Center của Nga đầu tư 1 tỉ USD vào Bình Định.

Vốn đầu tư tại dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã được nâng lên đến 9 tỉ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam lên tới 12,6 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn giải ngân cũng đạt 7,6 tỉ USD, tăng 3,8%. Nhật tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam khi chiếm 34,5% tổng vốn đăng ký, theo sau là Singapore và Nga.

Tin vui này tiếp tục lan sang tháng 9 khi Việt Nam tiếp tục nhận được một loạt các dự án lớn như dự án đầu tư của LG trị giá 1,5 tỉ USD vào Hải Phòng hay Tập đoàn Samsung đang khảo sát để tìm cơ hội đầu tư vào một dự án nhiệt điện ở Việt Nam.

Điều gì đã làm nên điểm sáng FDI trong bối cảnh tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn chưa sáng sủa nhiều? Đó là do kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn so với trước, lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp, lãi suất giảm và hệ thống ngân hàng đã dần ổn định, khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn. Ngoài ra, thị trường tiềm năng với 90 triệu dân và thu nhập đang được cải thiện, gần gũi với các thị trường lớn như Trung Quốc cũng là những yếu tố thu hút vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Mới đây, trong báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã tăng được 5 bậc trong bảng xếp hạng so với năm ngoái. Điều này phần nào cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước.

“Có một số lý do khiến đầu tư FDI tăng. Trong đó, có việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam để đón đầu làn sóng này. Ngoài ra, chi phí sản xuất của Trung Quốc tăng lên cũng là lý do các nhà đầu tư muốn chuyển sản xuất sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét.

Cũng theo ông Doanh, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ những chính sách của nước ngoài. Singapore, chẳng hạn, hiện đang khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Đây là một lý do các doanh nghiệp sản xuất tại Singapore phải tăng cường đi tìm các quốc gia khác để đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam và Singapore đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược và mối quan hệ này được kỳ vọng có thể sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước này.

Tính đến thời điểm này, việc thu hút FDI có thể xem là một thành công lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật 2013, ông Daisuke Hiratsuka, Phó Chủ tịch thường trực Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (Jetro), cho biết Nhật đang trong quá trình chuyển dịch khu vực đầu tư và các doanh nghiệp nước này đang có xu hướng chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nếu Việt Nam không tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thì dòng vốn đầu tư Nhật sẽ dịch chuyển sang các thị trường lân cận như Indonesia, Myanmar, Lào và Campuchia.

Tại hội nghị đầu tư giữa lãnh đạo TPHCM với các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra hồi cuối tháng 8 ở TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ quan ngại đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Họ cho rằng nếu Việt Nam không có chính sách cải thiện môi trường đầu tư thì sẽ khó cạnh tranh được với một số nước Đông Nam Á khác.

Khi được hỏi liệu FDI của Việt Nam sẽ tiếp tục sáng trong các năm tới hay không, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tỏ ra thận trọng: “Điều này sẽ phụ thuộc các công cuộc cải cách cũng như chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ”.

Sơn Nguyễn

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Vốn ODA tại Việt Nam sử dụng hiệu quả (14/09/2013)

>   Việt Nam mong IFC tiếp tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật (13/09/2013)

>   Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi? (13/09/2013)

>   VCBS: Tín dụng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm (13/09/2013)

>   TS. Võ Trí Thành: Khủng hoảng là “thời kỳ hạnh phúc” (12/09/2013)

>   5 năm sau khủng hoảng: Mong phần kết có hậu (12/09/2013)

>   Ông Tony Blair chưa có hợp đồng tư vấn với Việt Nam (12/09/2013)

>   5 năm sau cơn lũ khủng hoảng: Nước ở Việt Nam rút chậm hơn? (11/09/2013)

>   Ông Nguyễn Xuân Thành: Thể chế và chính sách kinh tế đang kìm hãm doanh nghiệp nội (11/09/2013)

>   “Phấn đấu GDP đạt 5,8%, CPI ở mức 7% trong năm 2014” (09/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật