Kinh tế Việt Nam cần cú hích cải cách mới
Tại tọa đàm “Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO (B-WTO) - Các kết quả và định hướng tương lai” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23-9, TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại Hà Nội, nhận định: Việt Nam cần cú hích cải cách mới về kinh tế.
Ông Thành đánh giá việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho Việt Nam thấy rõ hơn mối quan hệ rất chặt chẽ giữa cải cách trong nước với quá trình hội nhập. Chỉ có cải cách trong nước mới tạo ra những điều kiện cho Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập mang lại, giảm thiểu được các rủi ro. “Thành tựu cải cách, đổi mới và phát triển 27 năm qua của Việt Nam (kể từ năm 1986 - PV) là đáng kể. Tuy nhiên, hiệu lực của nhiều cải cách đã “mất đà”, nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém cả về vấn đề cơ cấu, sức đề kháng trước các cú sốc và các vấn đề xã hội, môi trường. Việt Nam cần một cú hích trong cải cách” - ông Thành nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thanh Hà, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên toàn quốc chính là đối tượng bị tác động đầu tiên và trực tiếp khi chính sách đi vào cuộc sống. “Cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang loay hoay để lấy được thông tin liên quan đến chính sách thương mại. Nếu họ được tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị chính sách thương mại hay đàm phán, họ có thể vững hơn trong kinh doanh” - bà Hà nói.
Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|