CPI có thể thoát chu kỳ “2 năm cao, 1 năm thấp”
Nhìn tổng quát, CPI 9 tháng năm nay thuộc loại thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 10 năm qua (chỉ cao hơn của 9 tháng năm 2009).
Đây là tín hiệu khả quan để có thể thực hiện được mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 8%), theo định hướng của Chính phủ trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 (7%). Nếu dự báo trên là đúng thì chu kỳ “2 năm tăng cao, 1 năm tăng thấp” trong 9 năm trước đó, nay đã không lặp lại.
Xét về thời gian, việc tăng thấp của CPI trong 9 tháng chủ yếu là do CPI từ tháng 3 đến tháng 7 tăng rất thấp (5 tháng này chỉ tăng 0,09%, bình quân 1 tháng tăng chưa tới 0,02%). Tốc độ tăng thấp trong những tháng đó là có tính chất thời vụ, theo chu kỳ thông thường của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là tốc độ tăng thấp hiếm thấy so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong nhiều năm qua.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Cái “hiếm thấy” này do nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do tính thời vụ như trên đã cộng hưởng với sự giảm mạnh của tổng cầu. Vốn đầu tư phát triển/GDP đã giảm xuống nhanh và ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế thì tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm, trong đó nguồn từ ngân sách Nhà nước còn giảm sâu hơn. Tiêu thụ trong nước tăng chậm.
Về mặt tâm lý, trong các chủ thể trên thị trường đã xuất hiện tâm lý co cụm, thủ thế. Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 01, 02 nhưng việc triển khai thực hiện các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế…
Xét về các nhóm mặt hàng tính chỉ số giá tiêu dùng chung trong 9 tháng qua, có một số điểm đáng lưu ý. Có hai nhóm giá giảm là lương thực (giảm 1,43%) và bưu chính-viễn thông (giảm 0,51%).
Giá lương thực năm trước giảm sâu, năm nay giảm 5 tháng liền, chủ yếu do sản lượng ở trong nước tiếp tục đạt cao, giá thế giới giảm (giá xuất khẩu giảm 3,6%), mặc dù Chính phủ đã mua tạm trữ với khối lượng lớn đến 2 lần trong mấy tháng, một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Giá bưu chính-viễn thông giảm, do ngành này sớm mở cửa hội nhập; các đơn vị khác nhau cạnh tranh, trong đó có cạnh tranh về giá cả; liên tục cải tiến kỹ thuật- công nghệ…
Giá thực phẩm tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (3,95% so với 4,63%), do tăng chủ yếu 2 tháng đầu năm và tăng trong vài ba tháng nay, còn giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6.
Trong khi đó, một số mặt hàng giá tăng cao hơn tốc độ chung, như giá thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,67%, trong đó dịch vụ y tế tăng tới 23,42%), giá giáo dục (tăng 10,98%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 12,09%), giá may mặc, giày dép và mũ nón (tăng 4,87%), giá ăn uống ngoài gia đình (tăng 4,65%).
Tuy nhiên, việc tăng cao lên của CPI từ tháng 8 đến nay lại cảnh báo khả năng tăng CPI sẽ tiếp diễn trong các tháng còn lại của năm nay và những tháng đầu năm sau. Cảnh báo này xuất phát từ sự cộng hưởng của việc thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện chậm hơn, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn từ tháng 8, nhu cầu đầu tư vào cuối năm, nhu cầu tiêu dùng cao lên vào dịp trước và trong Tết cổ truyền của dân tộc…
Các yếu tố có tầm quan trọng tác động đến CPI là: Tổng cầu yếu; giá xuất, nhập khẩu không tăng; tỷ giá USD bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng thấp (tăng 0,52%); giá vàng giảm tương đối sâu (9 tháng giảm 18,6%). Do giá vàng giảm, giá USD tăng thấp, thị trường chứng khoán lình xình và thị trường bất động sản giảm giá mạnh, nên đã tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát…
Về tư duy, ngay cả khi lạm phát còn thấp, đặc biệt gần đây khi CPI có dấu hiệu cao lên, Chính phủ vẫn xác định nhất quán và kiên trì mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không chạy theo tăng trưởng nhanh, thậm chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng còn 5,3-5,4%. Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong điều kiện cân đối thu, chi ngân sách còn khó khăn, Nhà nước đã phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư cho hạ tầng cơ sở…
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát cao vào cuối năm nay và đầu năm sau, bởi vẫn còn có những yếu tố làm tăng CPI, khi tiền lương được điều chỉnh, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tới đây tăng, việc thực hiện lộ trình giá thị trường…
Minh Ngọc
Chính Phủ
|