Giá cà phê sụt giảm
Hiện nay, giá cà phê trên thị trường nội địa ở mức 36.000- 36.300 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ 21/12/2010. Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê có dấu hiệu tiếp tục giảm và khó dự đoán trước thời điểm bắt đầu niên vụ cà phê mới.
Cà phê của vụ mới đang được chào bán với giá trừ lùi 30 USD/tấn so với giá kỳ hạn, trong khi cà phê của vụ cũ có mức giá cộng 80 - 100 USD/tấn.
|
Ước tính của Volcafe, thành viên Tập đoàn ED & F Man, Việt Nam sẽ thu hoạch kỷ lục 30 triệu bao cà phê trong niên vụ 2013/2014. Cà phê của vụ mới đang được chào bán với giá trừ lùi 30 USD/tấn so với giá kỳ hạn, trong khi cà phê của vụ cũ có mức giá cộng 80 - 100 USD/tấn.
Khó xác định mức giá thấp nhất
Theo các chuyên gia, giá cà phê thời gian qua đã giảm và có thể tiếp tục giảm nữa nên rất khó xác định mức giá thấp nhất. Một trong những lý do được nhận định là Việt Nam hiện không còn là nước có khả năng chi phối giá cà phê trên thị trường thế giới. Năm nay, lượng bán ra của Việt Nam không nhiều nhưng giá cà phê vẫn giảm là do Indonesia, Brazil đã bán ra với số lượng lớn.
Đại diện một công ty xuất khẩu cà phê tại Bảo Lộc, Lâm Đồng nhận xét, hiện giá cà phê ở mức trên dưới 36.000 đồng/kg và nhiều khả năng xuống thấp hơn.
Đa phần các công ty có vốn đầu tư nước ngoài muốn mua vào do có mối liên hệ mật thiết với các công ty rang xay và chế biến cà phê và vẫn cần nguồn hàng cung cấp cho đối tác. Những công ty Việt Nam chủ yếu bán cà phê qua trung gian nên không mua cà phê thời điểm hiện nay bởi lo ngại khi giá giảm tiếp sẽ lỗ.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê tồn trong dân khoảng 140.000 tấn. Lượng cà phê tồn trong dân là do trước đây, khi giá cà phê trên 40.000 đồng/kg, có thông tin giá cà phê tiếp tục tăng và sẽ đạt mức 50.000 đồng/kg khiến nhiều đại lý ở Tây Nguyên tìm cách mua vào, đợi giá lên để bán ra.
Với diễn biến giá cà phê hiện nay, Vicofa cho biết, khó dự báo được biến động giá cà phê trên thị trường nội địa. Vào đầu tháng 10, vụ cà phê 2013/2014 của Việt Nam sẽ bắt đầu. Khi đó, lượng cà phê thu hoạch trong dân sẽ nhiều và đây là cơ sở để nhiều người tin cà phê sẽ còn tiếp tục giảm giá trong những tuần tới.
Cần phát huy nội lực
Trrước thực trạng giá cà phê sụt giảm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, cần đảm bảo phát huy nội lực cả cung và cầu để phát triển ổn định ngành cà phê. Có chính sách khuyến khích tăng tiêu thụ cà phê trong nước qua các kênh truyền thông, hướng dẫn việc tiêu thụ “cà phê được chế biến hoàn toàn từ cà phê”.
Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất chế biến cà phê tiêu dùng quy mô nhỏ, đặc biệt có chính sách hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy cà phê tiêu dùng quy mô lớn. Tạo được lực cầu bảo hộ giá cho cà phê Việt Nam, tránh bị ép giá như hiện nay vì phần lớn lượng cà phê đang cần phải được xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững: phát triển diện tích cà phê có chứng nhận, sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn cao, giảm giá thành, đạt năng suất, bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội.
Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với sản lượng xuất khẩu trên một triệu tấn nhưng tiêu dùng nội địa rất thấp, chỉ đạt 7% tổng sản lượng và tiêu thụ bình quân đầu người chỉ đạt 0,7kg/người/năm. Nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng như Biên Hòa, Trung Nguyên, cà phê Việt, Mê Trang, Highland, Minh Tiến... đã xuất hiện.
Đặc biệt ba thương hiệu cà phê Biên Hòa, Trung Nguyên và 2/9 đã được Bộ Công Thương công nhận thương hiệu quốc gia năm 2012.
Vicofa đang tích cực quảng bá để đẩy mạnh tiêu dùng cà phê trong nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 15% trong 10 năm tới. Xây dựng văn hóa uống cà phê và cùng với Tổng cục Quản lý chất lượng, Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn cà phê rang xay đảm bảo an toàn, tăng cường quảng bá các thương hiệu sản phẩm cà phê chế biến.
Diệu Hương
tbktvn
|