Nông dân trồng lúa lãi thấp
Những ngày này, nông dân trồng lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu tất bật vào mùa thu hoạch vụ lúa hè thu chính vụ năm 2013.
Dù năng suất vụ lúa này cao, chất lượng tốt nhưng nông dân có lợi nhuận giảm do giá lúa thấp.
|
Mặc dù, năng suất lúa đạt được bình quân 5-6 tấn/ha, thậm chí có địa phương năng suất lúa đạt tới 7,5 tấn/ha, chất lượng lúa tốt nhờ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch nhưng nông dân lại có lợi nhuận không cao do giá lúa nằm ở mức thấp.
Ông Lê Minh Lâm, thương lái thu mua lúa ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay giá lúa các loại nằm ở mức 4.300- 5.500 đồng/kg, giảm 100- 300 đồng/kg so với nửa tháng trước. Cụ thể, lúa thơm nhẹ có giá từ 5.200- 5.300 đồng/kg, lúa thơm Jasmine: 5.500- 5.600 đồng/kg, lúa tươi loại IR 50404 tại ruộng từ 4.100- 4.200 đồng/kg, lúa hạt dài OM 6976, OM 5451, OM 5451 từ 4.500- 4.600 đồng/kg. Tương tự như vậy, giá gạo nguyên liệu cũng giảm 200- 300 đồng/kg so với nửa tháng trước, nằm ở mức 6.700 - 7.200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đường- nông dân trồng lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang)- cho biết, vụ này lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh nên năng suất lúa đạt khá cao. Gia đình ông vừa thu hoạch 7 công (7.000m2) lúa IR 50404 được hơn 5 tấn lúa, tính ra năng suất đạt được tới gần 7 tấn/ha. Với giá bán lúa ngay tại ruộng chỉ 4.300 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư lúa giống, phân thuốc, nhân công… lên đến 1,6 triệu đồng/công nên sau khi trừ chi phí ông chỉ thu lãi 10 triệu đồng, giảm hơn 1 triệu đồng so với năm ngoái.
Theo nhiều nông dân trồng lúa ở huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh tiền Giang), những năm gần đây, thương lái tới tận ruộng thu mua lúa của nông dân nên hầu hết bà con đều thu hoạch bằng cách thuê máy gặt đập liên hợp rồi bán ngay tại ruộng, từ đó giảm được chi phí vận chuyển về sân phơi, chi phí phơi sấy. Mặt khác, khi bước vào thời điểm thu hoạch cũng là mùa mưa bão thường xuyên nên giá lúa bị giảm. Tuy nhiên, mỗi vụ lúa bà con đều phải thiếu nợ tiền phân thuốc, đại lý, rồi phải trả công cắt nên bắt buộc phải bán lúa với giá thấp, lãi không cao.
Trước tình hình giá lúa trên thị trường nội địa có chiều hướng đi xuống, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- cho biết, để giữ giá lúa ở mức có lợi cho nông dân, VFA đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian mua tạm trữ thêm 1 tháng (từ 15-9 đến 15-10) với sản lượng mua tạm trữ tăng thêm 300 ngàn tấn gạo trong vụ hè thu và vụ thu đông. Đồng thời, VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ của 300 ngàn tấn gạo này trong thời gian là 2 tháng (từ 15-9 đến 15-11) để tránh tình trạng doanh nghiệp bán tháo bán đổ gây xáo trộn thị trường khi tới hạn trả lãi suất ngân hàng.
Thành Công
báo công thương
|